chi tiết
Cập nhật 12:54 26/07/2022 Lượt xem: 518
Share via Email
In bài viết

Sách châm ngôn

Bài đọc 1

Bài trích sách Châm ngôn.

Hãy nghe đây lời minh định của Đức Khôn Ngoan:

“Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người,
trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.

Ta đã được tấn phong từ đời đời,
từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất.

Khi chưa có các vực thẳm,
khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra.

Trước khi có núi non được đặt nền vững chắc,
trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra,
khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không,
và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ.

Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời,
khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm,
khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao
và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm,
khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ,
khi Người đặt nền móng cho đất.

Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả.
Ngày ngày ta là niềm vui của Người,
trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi,
vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.”

Đó là Lời Chúa


Thánh lễ trực tuyến: Chúa nhật Chúa Ba Ngôi năm C, do Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân chủ sự vào lúc 17:30 ngày 11-6-2022 tại Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn.

Sách châm ngôn là một bộ sưu tập của những bộ sưu tập.

Đây là một cẩm nang dạy người ta nghệ thuật Đắc Nhân Tâm để thành đạt trong cuộc sống.

Sách này dạy các bạn trẻ sự khôn ngoan giúp họ rút bài học từ kinh nghiệm quá khứ để linh động áp dụng cho hiện tại.

Tuy sách này đề cập đến những vấn đề của đời thường và nhắm đến những mục tiêu thực tế, nhưng điểm son của cuốn sách là đã nối kết sự khôn ngoan với lòng kính sợ Đức Chúa.

Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của sự khôn ngoan.

Như thế khôn ngoan không chỉ là chuyện khôn khéo dựa trên kinh nghiệm mà còn là một thái độ đạo đức đối với Thiên Chúa.

Kính sợ ở đây không phải là sự sợ hãi vì bị đe dọa mà là sự sợ hãi đầy lòng kính trọng, yêu mến và vâng phục Đấng tối cao, Đấng nhân hậu với con người.

Lòng kính sợ Đức Chúa là nền tảng của tôn giáo Israel.

Điểm thứ hai: nét độc đáo trong sách châm ngôn là Đức khôn ngoan được nhân cách hoá.

Ngay trong chương đầu, theo một số nhà chú giải “Khôn ngoan” được mô tả như một người phụ nữ đi tìm môn đệ trong thành thị.

Điều lạ ở đây là “Khôn ngoan” được mô tả như một người phụ nữ, phải chăng là do tàn tích của việc thờ một nữ thần khôn ngoan ở vùng cận Đông ngày xưa.

Ngày nay có một cách giải thích được rất nhiều người ưa chuộng, theo cách giải thích này “Khôn ngoan” giống như một nữ thần của Canaan hay của Israel xưa.

Từ lâu rồi các học giả tin rằng Israel đi từ niềm tin đa thần đến chỗ chỉ thờ một vị thần mà thôi dù vẫn chấp nhận sự hiện hữu của những vị khác.

Cuối cùng mới đi đến chỗ tin rằng chỉ có một Thiên Chúa độc nhất và không có thần nào khác ngoài Người.

Khuôn mặt của bà Khôn ngoan ở đây có thể bắt nguồn từ vị nữ thần Khôn ngoan mà cha ông của Israel ngày xưa đã tin.

Dù giải thích thế nào đi nữa thì ngày nay bà Khôn ngoan không còn được coi như một nữ thần nữa.

Bà chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan huyền diệu đang chi phối vũ trụ của chúng ta đây.

Chúng ta không sao nắm bắt được sự khôn ngoan này vì nó thuộc về Thiên Chúa.

Điểm thứ ba: Vai trò của Đức khôn ngoan trong công trình sáng tạo.

Khôn ngoan không chỉ là một thuộc tính của Thiên Chúa được nhân cách hóa thành một phụ nữ.

Khôn ngoan ở đây được trình bày như một hữu thể được Thiên Chúa dựng nên trước vạn vật và đã cộng tác với Người trong việc sáng tạo vũ trụ.

Khôn ngoan trong bài thơ này mang dáng dấp của một nữ thần đang ngỏ lời với con người.

Tuy nhiên vì Israel đã mang niềm tin độc thần từ lâu rồi nên tác giả của sách châm ngôn chắc đã không thể coi khôn ngoan, không hề coi khôn ngoan như một vị thần độc lập theo kiểu nữ thần Maat của người Ai cập.

Dù sao, qua bài thơ này ta thấy được bản chất của khôn ngoan.

Khôn ngoan không bắt nguồn từ trí tuệ của con người nhưng từ chính Thiên Chúa.

Nhờ đó Thiên Chúa hình thành và thực hiện công cuộc sáng tạo của Người.

Hơn nữa, Người còn muốn cho con người được tham dự vào sự khôn ngoan của mình.

Bài thơ này là chuẩn bị cho một mạc khải lớn hơn.

Đó là mạc khải về con Thiên Chúa làm người, là Đức Giêsu Kitô.

Người là sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa.

Sự khôn ngoan này là một ngôi vị thần linh đến với con người trên mặt đất.

Chính Người là Ngôi lời đã ở bên Thiên Chúa từ nguyên thủy và đã cộng tác với Thiên Chúa trong công việc sáng tạo vũ trụ.

Điểm cuối cùng: Sách Châm ngôn với người Kitô hữu chúng ta hôm nay.

Khi đọc sách châm ngôn, ta thấy lời giáo huấn trong sách này có vẻ thấp so với giáo huấn của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, tôn giáo đích thực bao giờ cũng được triển khai dựa trên một đời sống lương thiện, nhân bản.

Đã có những châm ngôn báo trước luân lý của Tin Mừng, mời gọi ta làm điều tốt chỉ vì yêu Chúa và yêu tha nhân.

Đức Giêsu đã được gọi là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Người còn khôn ngoan hơn cả vua Salômon, có những điểm chung giữa thần học về Ngôi lời mà Tin mừng thứ tư, Tin mừng mà Thánh Gioan đã đề cập với khuôn mặt của Đức Khôn ngoan mà ta vừa nghe trong bài đọc 1

Cuộc sống thực tế thì phức tạp và bất ngờ.

Chúng ta có thể thấy cái nhìn của sách Châm ngôn có vẻ ngây thơ và tĩnh lặng nhưng chúng ta đừng quên sách Châm ngôn không có tham vọng nói hết mọi sự.

Mỗi châm ngôn chỉ mong phản ảnh một khía cạnh nào đó của cuộc sống và toàn bộ các Châm ngôn cho ta một cái nhìn toàn cục hơn.

Sách Châm ngôn là một suy tư về những kinh nghiệm.

Chính những kinh nghiệm đó giúp ta biết uyển chuyển để ứng xử trong từng tình huống đặc thù của đời sống hàng ngày.

Vì vậy, đây không phải là những chỉ thị phải tuân giử nhưng là những ví dụ để học hỏi.

Người Kitô hữu chúng ta hôm nay vẫn có thể tìm thấy trong sách Châm ngôn nhiều điều hữu ích cho đời sống Đức tin của mình.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận