Cô Tiến Sĩ Câm Điếc
Bị hai tật nguyền, một thiếu nữ Pháp vẫn kiên tâm cố học đậu đến Tiến sĩ.
Trường Đại học Ba Lê hôm ấy có vẻ tấp nập khác thường.
Trong giảng đường chưa tới giờ mà đã có một số đông thính giả đến ngồi chờ, trịnh trọng như sắp có một việc gì đặc biệt xảy đến.
Các nhà báo phái người tới dự: các đặc phái viên cầm giấy bút sẳn sàng trên tay; các nhiếp ảnh viên lăng xăng chạy đầu này, đầu nọ thu vào tấm kính những khía cạnh một quang cảnh náo nhiệt của Đại học đường.
Một cuộc lễ chăng? Một cuộc tiếp rước một yếu nhân chăng? Không phải
Hôm nay chỉ là ngày một thí sinh trình bày luận án để lấy bằng Tiến sĩ.
Một cuộc đi thi, không hơn không kém. Và chẳng biết thí sinh có đến phải ai oán than lên câu: “Thi ơi là thi!” không?
Sở dĩ buổi trình luận án này được nhiều người chú ý là vì “thí sinh” là một thiếu nữ vừa câm, vừa điếc.
Câm và điếc mà ôm mộng làm cô Tiến sĩ! Thật là một kỳ quan, trách sao dư luận chẳng lưu tâm chú ý.
Mà trình luận án ở Đại học đường Ba Lê lại là một chuyện không dễ, vì ban giám khảo muốn giữ tiếng cho thủ đô văn hóa của nước Pháp, nên rất khắt khe, chặt chẽ trong việc “sát hạch”…không phải như ở các Đại học đường tỉnh nhỏ đâu.
Lại nữa cô nữ sinh câm điếc ấy không muốn lấy bằng “Tiến sĩ của Đại học đường” mà lại quyết cho được bằng “Tiến sĩ Quốc Gia”
(Doctorat d’état) khó hơn và gay go hơn. Nhưng “khó” không phải là một danh từ đứng vững được với những người có chí cương quyết.
Có chí thì nên!
Với nét mặt bình thản, nữ sinh ấy không đẹp, không xấu, nhan sắc bình thường, tuổi gần ba mươi.
Tên cô là Suzanne Lavaud con của hai ông bà Lavaud, cả hai ông bà đều là giáo sư thạc sĩ dạy ban Trung Học.
Cha mẹ đã học đến thạc sĩ, thì không lẽ để cho con lâm cảnh mù chữ vì tật nguyền sao?
Bởi vậy, thấy con bị câm điếc ngay từ thuở nhỏ, ông bà không chịu bó tay quy hàng trước sự khắt khe của Định mạng.
Thắng được Định mạng không phải là việc dễ trong trường hợp của cô Suzanne.
Vì điếc ngay từ lúc nhỏ, nên tai cô không nghe được âm thanh gì để giúp cho miệng cô bập bẹ tập nói theo âm thanh ấy.
Bà Lavaud theo những kinh nghiệm của bác sĩ đã ghi được từ trước đến giờ, bà còn tìm tòi trong thư viện đủ mọi phương pháp thực tiễn để áp dụng vào việc dạy con “nói”.
Khó khăn hơn cả dạy con két, con nhồng và loài chim học nói còn dễ hơn cô bé Lavaud vì nó còn biết nghe và nhắc lại lời người ta dạy nó.
Bà Lavaud kiên tâm, trì chí, không bao lâu đã tập cho con “nghe” được tiếng của bà bằng những cử động ở cửa miệng mỗi khi phát âm.
Trước học những tiếng dễ, sau những tiếng khó, cô bé đã tập nói được, song nói bập bẹ, nói lơ lớ như kiểu người ngoại quốc mới tập nói tiếng Việt Nam.
Cả mấy năm khó nhọc, bà mẹ đã thành công.
Cô con đã nói được. Hai ông bà Lavaud dạy con đến văn hóa, đến các môn học để đi thi.
Từng chi tiết nhỏ, hai ông bà phải lo lấy hết vì không thể gởi một đứa con vừa câm vừa điếc tới học đường.
Lớn lên, học tới trình độ Đại học, cô Suzanne say mê tha thiết cuộc đời của một bậc tiền bối, đồng bịnh, đồng cảnh với mình: đó là bà Marie Lenéru.
Cũng là phụ nữ câm, bà nầy hồi thế chiến thứ nhất (1914-1918) đã nổi tiếng là một nữ sĩ chuyên viết kịch bản diễn tại các rạp hát lớn ở Pháp.
Cô Suzanne lấy cuộc đời của bà Lenéru làm đề tài cho luận án thi Tiến sĩ.
Luận án này mang nhan đề “Thân thế, Nhựt ký và Kịch bản của Marie Lenéru”
Cô Suzanne còn thấy một gương sáng nữa giúp cô hăng hái mà tiến.
Đó là giáo sư Pierre Villey một người đui dạy ở Đại học đường Bordeaux.
Dù có bị Định mạng bạc đãi đến đâu, đời người cũng chưa đến đỗi phải là “đời bỏ đi”.
Kiên tâm, cố gắng đã đưa cô gái câm điếc ấy đến trước ban khảo thí Tiến sĩ để trình luận án thi lấy bằng Tiến sĩ Quốc gia.
Ban khảo thí gồm tới 6 vị. Ông chủ khảo là giáo sư F. Baldensperger tự hào giới thiệu cô Suzanne Lavaud là học trò của ông.
(Theo thông lệ, mỗi thí sinh thi Tiến sĩ phải nhờ một giáo sư của mình giới thiệu).
Sau lời giới thiệu, cô trình bày luận án với một thái độ thản nhiên, song không thể tránh được vài âm thanh mà cô nói không rõ.
Tuy nhiên cô cũng được các vị giám khảo hiểu tất cả lời và ý của cô.
Sau đến phần chất vấn của các vị giám khảo.
Phần nầy mới thật là gay go cho cô thí sinh. Không phải là vì những câu hỏi “hóc búa” khó trả lời.
Nền văn hóa và kiến thức dồi dào mà cô nhận lãnh được của song thân – hai vị thạc sĩ – đủ cho cô vững bụng tin cậy ở khả năng mình.
Điều khó khăn là ở chỗ cô “nghe” những câu chất vấn “ở trên đầu lưỡi” các vị giám khảo.
Nghĩa là âm thanh không lọt được vào hai tai điếc của cô, nhưng cử động của hai lằn môi và đầu lưỡi của người đối thoại lọt vào mắt cô khiến cho cô hiểu biết họ nói gì.
Nhưng có khi cô không hiểu hết câu hỏi vì người đối thoại nói mau quá.
Cô mỉm cười xin lỗi và yêu cầu nói lại lẫn nữa.
Má cô đã được ban giám khảo thí cho phép làm “thông dịch viên” cho con.
Mỗi khi có câu hỏi nào mà con không hiểu rõ, thì bà mẹ lập lại chậm rãi; cô con nhìn miệng mẹ mà hiểu liền và trả lời cho câu hỏi ấy.
Cảm động thay một cuộc đối thoại giữa một người câm điếc và 6 vị giám khảo đủ cả năng khiếu.
Một cuộc thi không tiền khoáng hậu tại Đại học đường Paris năm 1932.
“Tôi chỉ mong được làm quản thủ thư viện để học nữa.”
Biển học mênh mông vô bờ bến nhưng không phải là một khu đất cấm mà người bất hạnh trên đời không dám đặt chân tới.