chi tiết
Cập nhật 16:10 30/09/2021 Lượt xem: 496
Share via Email
In bài viết

Thánh Teresa Calcutta

Thánh Teresa Calcutta, người mẹ lòng thương xót

Vị nữ tu Teresa thành Calcutta qua đời ngày 05.09.1997

Sơ được Hội Thánh tôn phong lên hàng Chân Phước ngày 19.10.2003

Ngày Chúa Nhật 04.09.2016, Sơ được tôn kính trên bàn thờ trong Hội Thánh Công Giáo là đấng Hiển Thánh.

Cuộc đời 87 năm trên trần gian của mẹ Thánh Teresa gắn bó với số phận của những người nghèo

  • Vừa về miếng ăn lương thực, quần áo, thuốc men chữa bệnh, nhà cửa, và
  • Vừa về giá trị nhân phẩm con người cùng đau khổ tinh thần của họ nữa.

1. Gia đình, nôi nuôi dưỡng lòng thương xót

Mẹ Thánh Teresa mở mắt chào đời bên nước Albania, vùng phía Đông Âu châu, nằm trong liên bang Nam Tư.

Albania là một nước nhỏ, đại đa số dân cư theo Hồi giáo, đạo Công Giáo chỉ là một thiểu số trong xã hội này.

Gia đình Mẹ Teresa là một gia đình khá giả nếp sống bậc trung lưu có cuộc sống hạnh phúc, theo đức tin Công Giáo truyền thống đạo đức.

Buổi sáng nào người mẹ gia đình Drana của Teresa cũng đều đưa ba người con của bà đi nhà thờ đọc kinh cầu nguyện dâng Thánh lễ.

Buổi chiều tối gia đình tụ tập lại lần chuỗi mân côi, dù bận rộn hay có khách. Vì với gia đình đó là điều quan trọng hơn cả.

Ngay từ khi con còn nhỏ, người mẹ gia đình Drana đã dậy các con mình sống bác ái lòng thương xót theo phương hướng Phúc âm của Chúa:

“Những gì các con làm cho một người bé nhỏ hèn mọn nhất trong các con, chính là các con làm cho Thầy.” (Mt 25,40).

Rồi hằng tuần, người mẹ Drana của Teresa có thói quen thăm hỏi những người bệnh nạn trong khu phố, và mang cho những người nghèo quần áo cũng như thực phẩm cần thiết.

Bà muốn con mình ngay từ nhỏ đã biết cùng đồng hành với những người như thế.

Bà thường nói với các con mình:

“Các con có phúc lắm, có nhà ở đẹp, có đầy đủ lương thực và quần áo.

Các không con thiếu gì.

Nhưng các con không được quên có nhiều người phải sống trong hoàn cảnh thiếu ăn.

Có những trẻ em không có quần áo, khi đau bệnh, chúng không có thuốc trị bệnh cần thiết để chữa bệnh.”

Đời sống gương sáng của người mẹ Drana đã ghi khắc dấu vết sâu đậm trong tâm khảm đời sống của Teresa ngay từ nhỏ.

Có lần Teresa lúc nhìn lại thời nhỏ còn ở nhà với mẹ mình đã tâm sự:

“Tôi không biết phải nói gì hơn nữa, gương sống của mẹ tôi, hay nếp sống đạo đức chăm chỉ đi nhà thờ cầu nguyện của mẹ tôi đóng vai trò ảnh hưởng rất quan trọng cho ơn kêu gọi của tôi trưởng thành chín mùi.”

Chính trong bầu khí chan chứa lòng thương xót đó của gia đình với những người chung quanh Teresa đã lớn lên và trở thành vị Thánh, người mẹ lòng thương xót sau này giữa lòng xã hội con người.

2. Con đường lòng thương xót

Lúc Teresa lên 12 tuổi đã cảm nghiệm thấy mình có ơn kêu gọi vào sống tu trì trong nhà Dòng, và còn thế nữa cảm nghiệm ra ơn kêu gọi trở thành một nhà truyền giáo sang Ấn Độ, bên Á Châu.

Năm 18 tuổi Teresa đã nói với mẹ mình và cha sở ý muốn đi truyền giáo sang Bengale bên Ấn Độ để cùng làm việc với các Cha Dòng Tên Chúa Giêsu đang sinh sống nơi đó.

Nhưng để thực hiện được ý muốn đó, Teresa phải nhập Dòng Đức mẹ Loreto ở bên Dublin nước Ái nhĩ Lan.

Các nữ tu dòng Đức mẹ Loreto thời đó cũng đang hoạt động truyền giáo bên Bengale.

Teresa nghe theo tiếng gọi con đường đó và trở thành nữ tu của Dòng Loreto, rồi năm 1928 được sai sang Ấn Độ đến vùng Himalaja sống thời gian nhà tập tu luyện, sau đó đến Calcutta học thêm và trở thành Cô giáo môn lịch sử, địa lý trường trung học St. Mary s High School của nhà Dòng.

Nữ tu Teresa làm công việc trí thức dạy học ở trường học nội trú với nhiệt tâm đầy đủ trách nhiệm.

Nhưng tâm hồn luôn nghĩ đến việc truyền giáo cho những người nghèo nhất nơi những người nghèo bên Ấn độ, mà vị nữ tu ngày đêm ấp ủ hoài bão lúc nào cũng mơ tưởng mong muốn được sống được làm.

Vị Nữ tu Teresa tâm sự:

“Tôi là cô giáo, đây là một nếp sống mới với tôi.

Ngôi nhà trường nội trú này rất đẹp cùng thuận lợi cho các học sinh.

Tôi yêu thích việc dậy học.

Tôi chịu trách nhiệm trông coi cả nhà trường, các nữ học sinh yêu mến tôi…”

Nhưng trong khu nhà trường nội trú đó, vị nữ tu Teresa không gặp được một ai là người nghèo đói bị bệnh hoạn, bị bỏ rơi ngoài đường phố.

Ngày 10 tháng 09 năm 1946 nữ tu Teresa đáp xe lửa đi Darjeeling vùng phía Tây Bengale, nơi xưa kia Teresa đã sống thời gian nhà tập, đi tĩnh tâm.

Khi xe lửa đến nhà ga thành phố Calcutta, vị nữ tu cô giáo trường nội trú nhìn thấy tận mắt cảnh từng đám đông người nghèo, người đau khổ thiếu thốn nghèo khổ, bệnh tật đui què sống chen chúc vất vưởng ngoài đường. Những bà mẹ trẻ bồng bế cõng con không quần áo trên lưng trên vai ăn xin ngoài phố xá…thật là một cảnh hãi hùng thương tâm với vị nữ tu trẻ tuổi Teresa.

Tâm hồn vị nữ tu Teresa bồi hồi dao động vì cảnh tượng quá thương tâm như thế.

Tâm hồn con mắt vị nữ tu Teresa càng mở ra to lớn hơn, và nữ tu Teresa đã có quyết định quay ngược lại với ơn kêu gọi mà chị đã cảm nghiệm được từ lúc còn ở quê nhà bên Albania: muốn trở thành nhà truyền giáo sống cho người nghèo khổ cùng cực bên Ấn Độ!

Chính mẹ Thánh Teresa sau này đã tâm sự nói về quyết định quay ngược lại tận căn rễ của mình:

“Trong đêm hôm đó mắt tôi đã mở ra nhìn thấy cảnh thương tâm cùng cực của con người nghèo khổ xấu số, và tôi cảm thấy tận sâu thẳm sự gì là căn bản ơn kêu gọi của tôi.

Đó là tiếng gọi mới của Chúa nói với tôi, một ơn kêu gọi trong lòng ơn kêu gọi.

Chúa kêu gọi tôi không được từ bỏ đời sống là nữ tu, nhưng hãy thay đổi nếp sống.

Có thế mới phù hợp nhiều hơn với tinh thần phúc âm, với tinh thần truyền giáo, mà Chúa ký thác ban gửi cho tôi…

Tôi cảm nghiệm ra rằng Chúa muốn tôi bỏ nếp sống thanh bình yên lặng tiện nghi nhà Dòng của tôi, mà đi ra ngoài đường sống phục vụ những người nghèo khổ.

Với tôi sứ mạng đã rõ ràng: Tôi phải đi ra khỏi nhà Dòng và sống với những người nghèo khổ cùng cực.

Chúa đã gọi tôi đến sống với những người không có sự gì ở thành phố Calcutta này….

Cuộc tĩnh tâm của tôi ở Darjeeling là những ngày suy nghĩ về sứ mạng ơn kêu gọi mới của tôi, mà tôi đã tiếp nhận trên đường tới đây.

Sau đó về lại Calcutta, tôi quyết định thay đổi nếp sống đời tu.”

Con đường dấn thân cho lòng thương xót với con người cùng khổ, cùng đinh trong xã hội Calcutta bên Ấn Độ bắt đầu từ quyết định thay đổi ra đi đến với họ của mẹ Thánh Teresa.

3. Nhà Dòng lòng thương xót: Dòng thừa sai bác ái.

Con đường thay đổi nếp sống của nữ tu Teresa để ra đi sống với và cho người nghèo cùng khổ không đơn giản dễ dàng.

Vì phải vượt qua những chặng thử thách có phép chấp thuận của nhà Dòng Loreto cho nữ tu Teresa ra đi, phép của Đức Giám Mục Calcutta, phép của Thánh bộ giáo sỹ tu sỹ bên Roma, và sau cùng phép phê chuẩn của Đức Thánh Cha cho mẹ Teresa lập Dòng mới như mẹ thỉnh nguyện xin.

Sau những năm tháng khảo sát điều tra, ngày 7.10.1950 Tòa Thánh đã phê chuẩn chấp thuận cho mẹ Teresa thành lập Dòng Thừa sai bác ái bên Calcutta Ấn Độ để giúp phục vụ người nghèo khổ cùng cực trong xã hội.

Thế là ơn kêu gọi phục vụ truyền giáo cho người nghèo của mẹ Teresa về phương diện pháp lý theo luật đạo thành sự.

Ơn kêu gọi hoài bão lòng mong ước đến sống truyền gíáo lòng thương xót giữa những người nghèo khổ, mà mẹ Teresa đã đón nhận ơn soi sáng từ Thiên Chúa nguồn tình yêu thương, giờ đây thành hiện thực cho đời mẹ.

Như các Dòng truyền thống trong Hội Thánh Công Giáo.

Dòng của Mẹ Teresa cũng có ba lời khấn: khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh.

Ngoài ra Dòng còn buộc các chị em nữ tu lời khấn thứ tư nữa: sống vị tha bác ái thương người.

Mẹ Teresa, vị sáng lập Dòng Thừa sai bác ái tâm sự:

“Chúng tôi có trách nhiệm bổn phận với lời khấn phục vụ cho hết mọi người không đòi hỏi thù lao được trả công.

Lời khấn này có nội dung là chúng tôi không làm việc phục vụ cho người giầu có, không làm việc vì thù lao tiền bạc, chúng tôi không được nhận tiền bạc thù lao.”

Dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Teresa chọn áo Sari dài phủ kín thân thể của phụ nữ Ấn Độ vẫn thường mặc hằng ngày.

Áo Sari mầu trắng bằng vải thô, bên vành áo có ba vạch mầu xanh da trời nói lên nghĩa mầu của bầu trời.

Phía bên trái áo Dòng Sari có gắn cây Thánh Giá Chúa Giêsu, để nhắc nhở người nữ tu nhớ đến Chúa Giêsu.

Mẹ Teresa cắt nghĩa về áo dòng Sari:

“Chiếc áo Dòng Sari giúp người nữ tu cảm nhận mình là người nghèo giữa những người nghèo, nhận ra mình cũng là người bệnh tật đau khổ, là trẻ em, là những người già yếu bị bỏ rơi. Và với chiếc áo Dòng Sari cùng chia sẻ đời sống không có gì thừa tự để lại cho thế giới.”

Chiếc áo Dòng áo Sari hèn mọn theo kiểu của người phụ nữ bình dân trong xã hội Ấn Độ nói lên sâu đậm căn tính lòng thương xót cùng đồng cảm với con người của Dòng Thừa sai bác ái do mẹ ThánhTeresa sáng lập.

4. Dụng cụ lòng thương xót

Mẹ Thánh Teresa lúc còn sinh thời đã thụât kể lại về nhà Dòng Thừa sai bác ái phục vụ cho người nghèo, trẻ con, người bệnh tật bị bỏ rơi trên toàn thế giới:

“Dòng chúng tôi có 3.500 chị em nữ tu nơi 95 quốc gia với 445 nhà, chúng tôi càng cần thêm nhiều ơn kêu gọi nữa do Chúa gửi đến…

Chúng tôi là dụng cụ của Thiên Chúa.

Những công việc phục vụ cho bác ái tình yêu là những công việc phục vụ cho hòa bình.

Chúng tôi không bao giờ có ý nghĩ về chính trị.

Chúng tôi chỉ muốn phục vụ giúp đỡ người nghèo khổ, vì họ cần đến tình yêu của chúng tôi…

Công việc dấn thân phục vụ người nghèo, người cùng khổ là chứng từ cụ thể cho đức tin.

Nó cắt nghĩa cho người người nghèo, người đau khổ về tình yêu Thiên Chúa trao tặng cho họ.

Ở Ấn Độ, một phóng viên người Hoa Kỳ quan sát tôi săn sóc người bệnh bị bệnh da lở loét rất nguy hiểm, anh ta nói với tôi:

  • Dạ, việc như vậy dù có cho tôi một triệu Mỹkim, tôi cũng không làm!

Tôi nói lại ngay:

  • Đúng thế, tôi cũng chẳng làm dù có được một triệu Mỹkim! Nhưng tôi làm vì tình yêu Chúa. Người nghèo khổ bệnh tật này với tôi là thân thể Chúa Giêsu Kitô…

Anh phóng viên nghe thế đứng yên lặng rất mủi lòng cảm động, và hiểu nhận ra sức mạnh nào đã kêu gọi cùng thêm sức nâng đỡ việc làm của chúng tôi…

Chúng tôi luôn nỗ lực cố gắng tìm đến nơi có những người lâm vào hoàn cảnh đau khổ mà không có ánh sáng niềm hy vọng.

Đó là nơi những người nghèo khổ, đói khát và bị bệnh tật, nhất là những người bị bỏ rơi sinh sống vất vưởng.

Chúng tôi đến những nơi đó do Chúa sai đến và chỉ cho chúng tôi việc phải làm…”

Với Mẹ Thánh Teresa và Dòng của Mẹ, cầu nguyện với Chúa là suối nguồn kín múc sức mạnh cho việc làm bác ái lòng thương xót con người mà Chúa gửi sai đến:

“Ngày sống làm việc của chúng tôi đặt trên căn bản cầu nguyện.

Dòng chúng tôi là Dòng chiêm niệm ở giữa lòng trần gian.

Vì thế cầu nguyện là căn bản đời sống nhà Dòng.

Chúng tôi luôn luôn cầu nguyện khắp mọi nơi đang khi làm việc cũng như lúc đi dọc đường.

Nếu chúng tôi không liên lỉ sống kết hợp với Chúa, chúng tôi đâu có thể có sức lực để sống dấn thân hy sinh phục vụ được.”

Khi người ta xin Mẹ tấm thẻ địa chỉ của Dòng, Mẹ Thánh Teresa rút trong túi áo Dòng Sari ra một mảnh giấy nhỏ rẻ tiền mầu xanh, trên có in dòng chữ bằng tiếng Anh:

“Chúa Giêsu vui mừng hạnh phúc đến với chúng ta,
khi sự chân thật muốn được loan truyền,
khi sự sống muốn được cho bừng lên chỗi dậy,
khi ánh sáng muốn được bật chiếu tỏa lan ra,
khi tình yêu muốn được yêu mến,
khi niềm vui muốn được tiếp tục cho đi,
khi hòa bình muốn được xây dựng lan tỏa gieo rắc.”

(Mẹ Teresa)

Xin Mẹ Thánh Teresa cầu cho chúng con!

Nguồn VietCatholic.net


Lm. Quang Uy, DCCT kể lại câu chuyện do cha Tiến Lộc kể về bà Teresa Calcutta mà bà đã nói trong một buổi tĩnh tâm.

Anh chị em ơi!

Cái áo mà anh chị em đang mặc trên người. Đó là cái áo của anh chị em.
Cái áo thứ 2 anh chị em đang để ở nhà, đó cũng là của anh chị em nhưng đó là cái anh chị em mượn của người nghèo.
Cái thứ 3 mà anh chị em cất ở trong tủ, lâu lâu mới lấy ra mặc một lần. Cái đó là anh chị em đã lấy của người nghèo. Đó là của người nghèo.
Cái thứ 4 không bao giờ anh em mặc. Đó là cái mà anh em đã cướp của người nghèo mà chính vì thế đang có một ai đó trần truồng, trần trụi, không có áo che thân. 


Phim “Mẹ Têrêsa: Không tình yêu nào lớn hơn” (“Mother Teresa: No Greater Love”) là bộ phim tài liệu, được sản xuất bởi các Hiệp sĩ Columbus, đưa lên màn ảnh rộng di sản và tình yêu thương khiêm nhường, vị tha được chia sẻ trên toàn cầu bởi Mẹ Têrêsa Calcutta và Dòng Thừa sai Bác ái.

Bộ phim là chứng tá hùng hồn của lòng bác ái Kitô giáo đích thực, kim chỉ nam cho tất cả những ai tìm kiếm hy vọng trong thời kỳ hỗn loạn của chúng ta.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận