chi tiết
Cập nhật 19:39 21/07/2021 Lượt xem: 322
Share via Email
In bài viết

Tấm Lòng Vàng

Ngày xưa, trong một làng ven sông Đà có một người nhà rất giàu nhưng tính tham lam gian ác.

Một hôm, vào tối tháng chạp, có một cụ già rách rưới, không biết từ đâu đến, đi vào làng.

Bà cụ đến ngôi nhà giàu xin trú chân. Thấy cụ yếu đuối và rách rưới, hắn đuổi không cho ngủ nhờ.

Bà cụ cứ xin mãi, hắn cứ một mực đuổi ra. Bà cụ đành phải đi.

Vừa ra khỏi cổng, bà gặp một người nông dân từ xa đi tới.

Thấy người già yếu, đi trong đêm tối rét mướt, anh hỏi

  • Cụ ở đâu mà đêm hôm vẫn còn lặn lội ở ngoài đường thế này?

Bà cụ đáp:

  • Tôi từ xa tới, đến đây thì nhỡ độ đường, vừa vào nhà kia (cụ chỉ về phía nhà giàu)

xin ngủ nhờ một đêm nhưng nó không cho.

Anh nông dân liền nói:

  • Mời cụ vào nhà tôi nghĩ tạm vậy.

Bà cụ theo anh nông dân về nhà.

Nhà anh là một cái túp lều xiêu vẹo,  rách nát.

Vừa vào đến nhà anh đã kể đầu đuôi câu chuyện cho vợ nghe.

Nhà chỉ còn một bát gạo, hai vợ chồng đem nấu cho bà cụ ăn.

Cơm nước xong, hai vợ chồng dọn giường chiếu cho bà cụ ngủ.

Mùa đông giá rét, bà cụ run lên cầm cập.

Nhà chỉ có một chiếc chăn đơn cũ kỹ nhưng hai vợ chồng cũng nhường cho bà cụ đắp.

Bà cụ lên giường nằm, hai vợ chồng ngồi bên bếp lửa sưởi, chờ cho bà cụ ngủ say mới đi nằm.

Nhưng họ vừa đặt mình xuống chưa chợp mắt thì bà cụ rên hừ hừ, kêu đau bụng.

Hai vợ chồng dậy lấy cho bà cụ một chiếc chậu sành để đi đại tiện.

Một đêm bà cụ đi đến bảy, tám lần. Hai vợ chồng phải thay phiên nhau mà đỡ bà cụ.

Gần sáng, đôi vợ chồng mệt quá, ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Khi hai người tỉnh dậy thì trời đã sáng, nhìn sang giường bên thì không thấy bà cụ đâu cả.

Người vợ bưng chậu đi đổ, thấy nặng khác thường.

Chị nhìn xuống thì thấy trong chậu đầy vàng óng ánh.

Ảnh minh họa (Internet)

Từ đó, hai vợ chồng trở nên giàu có.

Tuy vậy, họ không bao giờ quên cảnh nghèo khi trước nên vẫn hết sức giúp đỡ những người trong cảnh khốn cùng.

Tiếng lành đồn xa, khắp dân trong vùng ai ai cũng biết.

Tên phú ông lân la đến chơi nhà hai vợ chồng nông dân và dò hỏi.

Từ đấy, ngày nào hắn cũng mong được gặp lại bà cụ.

Bỗng một hôm, trời gần tối, không biết từ đâu, bà cụ lại đến nhà hắn xin ngủ nhờ.

Hắn khấp khởi mừng thầm, vui sướng như mở cờ trong bụng.

Nhà hắn thì toà ngang dãy dọc, nhưng hắn cho bà cụ nằm dưới bếp.

Ảnh minh họa (Internet)

Thóc của hắn có hằng bao nhiêu vựa, nhưng hắn chỉ cho bà cụ một bát cơm nguội với vài quả cà thiu.

Xưa nay, hắn chưa cho ai một tí gì, nên hắn tưởng thế là hậu đãi đối với người nghèo khó.

Đêm ấy hắn ngồi đợi bà cụ đi ra vàng.

Hắn thức khuya mà vẫn thấy cụ ngủ im thin thít, không kêu đau bụng gì cả.

Mệt mỏi quá, hắn bỏ đi nằm.

Vừa đặt mình xuống thi bà cụ kêu đau bụng; rồi một lát sau thì đòi đi ra ngoài.

Hắn quên mất ý định từ trước, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, hắn mắng bà cụ:

  • Của nợ, chỉ thấy quấy rầy người ta. Muốn đi thì ra ngoài kia mà đi, ai hầu được!

Nhưng sực nhớ ra bà cụ có cái bụng đầy vàng hắn vội nói:

  • À à, thôi được cứ nằm đấy, tôi mang chậu vào cho.

Thế rồi hắn vội đi lấy cái thùng to tướng và giục bà cụ ngồi vào đó.

Bà cụ đau suốt đêm và đi như tháo cống.

Tên phú ông thấy bà cụ đi nhiều, rất lấy làm mừng.

Suốt đêm, hắn không sao chợp mắt được, chỉ mong cho chóng sáng. Nhưng đến khi tờ mờ sáng thì hắn lại ngủ thiếp đi.

Sáng rõ, tên phú ông tỉnh dậy, không thấy bà cụ đâu cả.

Hắn vội đến thùng vàng thì mùi hôi thối xông lên nồng nặc.

Hắn tím mặt, vội đi tìm bà cụ.

Hắn hung hăng định cho bà cụ một trận đòn nhưng không thấy bóng dáng bà cụ đâu cả.

(Trích nguồn Kho tàng Văn học Dân gian Việt Nam)
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận