chi tiết
Cập nhật 13:16 24/07/2022 Lượt xem: 351
Share via Email
In bài viết

Đức Mẹ Đen Jasna Góra

Ngày 18-5-2004, nhân dịp sinh nhật thứ 84 của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Tổng Trưởng Bộ Giám Mục, đã mở cuộc họp báo giới thiệu cuốn sách ”Hãy đứng lên! Nào chúng ta đi!”

Đó là tác phẩm chính thức cuối cùng của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1978-2005).

Cuốn sách chứa đựng kỷ niệm và suy tư về trách nhiệm Giám Mục của Đức Cố Giáo Hoàng.

Trước tiên là Giám mục phụ tá rồi đến Tổng Giám Mục Giáo Phận Cracovia, Ba Lan, trong vòng 20 năm từ 1958 đến 1978.

Nhắc đến biến cố quan trọng ngày thụ phong Giám Mục, 28-9-1958, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trình bày lòng kính mến đối với Đức Mẹ Jasna Góra, Nữ Vương nước Ba Lan như sau.

Thánh Lễ truyền chức Giám Mục kết thúc, tôi đi thẳng đến Đại Chủng Viện Wawel, nơi diễn ra buổi tiếp tân.

Tuy nhiên, ngay chiều hôm ấy, tôi tiến về Czestochowa cùng với nhóm bạn hữu thân tín nhất.

Tôi sẽ dâng Thánh Lễ vào sáng hôm sau nơi nhà nguyện có trưng Bức Ảnh phép lạ Đức Mẹ Đen Jasna Góra.

Đối với người dân Ba Lan thì Czestochowa là nơi chốn phúc lành gắn liền với các biến cố lịch sử, đặc biệt với lịch sử đấu tranh dành độc lập.

Czestochowa có đền thánh quốc gia tức đền thánh Đức Mẹ Jasna Góra.

Đền Thánh tọa lạc trên ”Minh Sơn – Clarus Mons”.

”Minh Sơn – Núi Sáng” tên gọi nhắc nhở ánh sáng xóa tan bóng tối.

Thật thế, ánh sáng vào những giờ phút đen tối của chiến tranh, của phân tán và của chiếm đóng.

Mọi người Ba Lan đều biết rõ suối nguồn ánh sáng hy vọng này đến từ sự hiện diện của Đức Mẹ MARIA qua bức ảnh phép lạ.

Câu chuyện khởi đầu với cuộc xâm lăng của đoàn quân Thụy Điển vào năm 1655.

Mặc dầu với sức tấn công vũ bão, tràn ngập nhanh như trận lụt đại-hồng-thủy, vậy mà vẫn thất bại ê chề.

Đền Thánh kiên vững đến độ quân thù không xâm nhập được.

Từ sau biến cố lịch sử đó, quốc gia Ba Lan nhận ra một lời hứa chiến thắng.

Lòng tin tưởng vững chắc nơi sự bảo trợ của Đức Mẹ MARIA đã giúp người dân Ba Lan đánh tan sức tấn công của kẻ thù.

Kể từ ngày ấy, Đền Thánh Đức Mẹ Jasna Góra trở nên – trong một nghĩa nào đó – thành trì của Đức Tin, của tâm trí, của văn hóa và của tất cả những gì thiết lập nên căn tính quốc gia.

Điều này còn minh chứng cách rõ ràng hơn về sau, kể cả trong thời gian dài bị phân tán và bị mất chủ quyền quốc gia.

Chính Đức Thánh Cha Pio XII (1939-1958) cũng khẳng định đặc tính này trong thời kỳ xảy ra đệ nhị thế chiến 1939-1945:

Ba Lan đã không biến mất và sẽ không biến mất bởi vì Ba Lan tin, Ba Lan cầu nguyện và Ba Lan có Đức Mẹ Jasna Góra.

Nhờ ơn Chúa, lịch sử minh chứng lời nói của Đức Giáo Hoàng Pio XII là đúng.

Sau thế chiến thứ hai là thời kỳ đen tối khác của lịch sử Ba Lan.

Đó là thời Ba Lan sống dưới ách thống trị của đảng cộng sản vô thần.

Giới cầm quyền cộng sản Ba Lan ý thức sâu xa tầm quan trọng của Bức Ảnh Phép Lạ Jasna Góra trong đời sống người dân Ba Lan cũng như lòng kính mến tín hữu Công Giáo Ba Lan dành cho Bức Ảnh.

Vì thế, khi Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, đặc biệt dưới sự điều động của Đức Hồng Y Stefan Wyszynski (1901-1981), phát động chương trình đưa Bức Ảnh Đức Mẹ Jasna Góra đi thăm viếng từng giáo xứ từng Cộng Đoàn trên toàn nước Ba Lan, thì giới lãnh đạo Cộng Sản Ba Lan dùng trọn quyền hành và tìm đủ trăm phương nghìn cách để ngăn chặn cuộc Hành Hương của Bức Ảnh Đức Mẹ Jasna Góra.

Bức Ảnh Đức Mẹ bị công an nhà nước tịch thu và giam vào tù.

Thế là tín hữu Công Giáo Ba Lan chỉ có thể tổ chức các buổi rước kiệu và thăm viếng của Đức Mẹ với cái khung trống không có Ảnh Đức Mẹ Jasna Góra.

Thật là sứ điệp hùng hồn và hy hữu.

Nó minh chứng dân tộc Ba Lan không được hưởng quyền tự do tôn giáo.

Càng thấy mình không được hưởng quyền tự do tôn giáo toàn dân Ba Lan lại càng tha thiết cầu xin cho có ngày được hưởng quyền tự do này.

Và tình trạng vắng bóng tự do tôn giáo kéo dài ròng rã gần trọn 25 năm trời.

Cùng lúc, thời gian thử thách đã củng cố tín hữu Công Giáo Ba Lan trong Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.

Mọi người dân Ba Lan có Đức Tin đều đi hành hương Đền Thánh Đức Mẹ Jasna Góra ở Czestochowa.

Tôi cũng thế.

Ngay từ thơ trẻ, tôi đã tham dự các cuộc hành hương.

Năm 1936 diễn ra cuộc hành hương đại qui mô của giới sinh viên toàn quốc Ba Lan.

Cuộc hành hương kết thúc với lễ tuyên thệ trọng thể trước Bức Ảnh Đức Mẹ Đen.

Sau đó cuộc hành hương này tiếp tục diễn ra hàng năm.

(Nguồn VietCatholic.net)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận