Sống theo Phúc Âm từng điểm một
Lời cầu nguyện mở cửa trời: Phép lạ chữa lành giữa đêm mùa hè
Đức Thánh Cha nói về đoạn Tin Mừng thuật lại câu chuyện anh Báctimê, một người mù từ khi mới sinh đã nhận ra Đấng Mêsia, đã khẩn cầu lòng thương xót của Người, và xin Nguời xót thương anh, thương xót con người của anh.
Người mù lớn tiếng cầu xin, với đức tin, anh la to lên.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phân tích nội tâm của người ăn xin bị mù mà thánh Marcô đã thuật lại, và ngài suy tư:
Đức Thánh Cha nói: “Anh Báctimê không dùng nhiều lời nói. Anh ấy nói điều gì là cần thiết và phó thác mình cho tình yêu thương của Thiên Chúa, điều có thể làm cho cuộc sống của anh lại sinh hoa kết quả bằng cách làm điều mà con người không thể làm được. Đây là lý do tại sao anh không cầu xin Chúa bố thí, nhưng bày tỏ mọi điều – sự mù loà và đau khổ của anh, điều còn đau khổ hơn cả việc anh không thể nhìn thấy. Tình trạng mù loà của anh là phần nổi của tảng băng chìm; nhưng chắc hẳn trong lòng anh đã có những vết thương, những tủi nhục, những giấc mơ tan vỡ, những sai lầm, những hối hận. Anh cầu nguyện bằng trái tim của mình. Còn chúng ta thì sao? Khi chúng ta xin Chúa một ơn, chúng ta có đặt trong lời cầu nguyện cả lịch sử, những vết thương, sự sỉ nhục, ước mơ tan vỡ, lỗi lầm và hối hận của chúng ta không?”
Nhưng Đức Giáo hoàng suy tư sâu hơn nữa; ngài trở lại với kho tàng ký ức của riêng mình và trở lại một đêm mùa hè năm 2005 hoặc 2006, trước cổng đền thánh Đức Mẹ Luján, bổn mạng của Argentina, tại quê hương yêu dấu của ngài:
Đức Thánh Cha nói: “Rất nhiều người trong chúng ta, khi cầu nguyện, chúng ta không tin rằng Chúa có thể làm phép lạ. Tôi nhớ lại câu chuyện – mà tôi đã chứng kiến – về người cha được các bác sĩ cho biết rằng đứa con gái chín tuổi của ông sẽ không qua khỏi đêm đó; cô bé đang nằm bệnh viện. Và ông đã đón một chiếc xe buýt và đi bảy mươi cây số để đến Đền thánh Đức Mẹ. Khi ông đến nơi thì đền thánh đã đóng cửa. Ông bám chặt vào cổng đền thánh và đứng đó cầu nguyện suốt đêm: “Lạy Chúa, xin cứu con gái của con! Chúa ơi, xin ban cho con gái con được sống!” Ông đã cầu nguyện với Đức Mẹ, suốt đêm dài; ông khóc với Chúa, khóc từ thẳm sâu lòng mình. Sau đó, khi trời sáng, ông trở lại bệnh viện. Ông thấy vợ mình đang khóc. Và ông nghĩ: “Con bé đã chết rồi”. Nhưng vợ ông nói: “Không ai hiểu, không ai hiểu, các bác sĩ nói đó là một điều kỳ lạ, con bé dường như đã được chữa lành”. Chính Chúa, Đấng đã ban cho ông mọi điều, đã nghe thấy tiếng kêu cầu của người đàn ông cầu xin Người mọi điều. Đây không phải là một câu chuyện: chính tôi đã thấy điều này, ở giáo phận khác. Chúng ta có lòng can đảm như thế này khi cầu nguyện không?”
Điều gì đã xảy ra vào đêm đó ở Luján? Chúng ta muốn thưởng thức ân sủng đó và biết nó, thưởng thức nó để tiếp tục cảm nghiệm Lòng Nhân từ của Thiên Chúa và Mẹ của Người, về sự hiện diện và hành động của Người trong cuộc sống của chúng ta và trong lịch sử. Một linh mục người Argentina – người chọn cách trở nên bé nhỏ trước phép lạ và do đó đã giấu tên – đã kể cho chúng tôi nghe chi tiết về những gì đã xảy ra vào đêm mùa hè đó:
“Tôi là nhân chứng cho điều kỳ diệu đó. Khi tôi nói chuyện này với Đức Giáo hoàng, khi ngài còn là giám mục ở Buenos Aires, tôi đã nói với ngài rằng hãy luôn kể lại nó bằng ngôi thứ nhất, xin đừng nêu tên tôi. Ngài đã rất ngạc nhiên trước điều kỳ diệu này vì tôi đã kể cho ngài nghe rất nhiều về điều đó.
“Một đêm mùa hè, tôi đang từ nhà của những người họ hàng ở Luján trở về, tôi nghĩ chúng tôi đã có một bữa tiệc, và đi ngang qua quảng trường vào lúc nửa đêm, tôi gặp một người đàn ông trẻ tuổi đang vịn lan can bậc thang và cầm trên tay một bó hoa hồng. Tôi đến gần ông và hỏi xem có chuyện gì vậy. Người đàn ông nói với tôi rằng đứa con gái nhỏ của ông đang ở bệnh viện. Ông đã đi bộ từ thủ đô đến Luján, và bó hoa hồng đã được những người bạn đi cùng xe tặng cho ông; ông đã đặt bó hoa ở chỗ Đức Trinh Nữ.
“Tôi nói với ông ta, ‘Chúng ta hãy vào vương cung thánh đường’. Khi đó có lẽ đã mười hai giờ đêm. ‘Chỉ có anh, bạn bè của anh không thể vào, một mình tôi sẽ chịu trách nhiệm cho anh”. Chúng tôi đi vào vương cung thánh đường từ ngõ sau, đi qua ngôi nhà; tôi nói với người bảo vệ rằng tôi chịu trách nhiệm về người đàn ông đó; nếu có bất cứ điều gì xảy ra, tôi phải chịu trách nhiệm. Người cha này đã để bó hoa trong chiếc bình mà chúng tôi [các linh mục và người trông coi cung thánh] luôn đặt ở đó, và quỳ trước cung thánh, trong khi tôi ngồi trên chiếc ghế đầu tiên và bắt đầu cầu nguyện. Ông lặng lẽ quỳ xuống và tôi ngồi xuống, lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho đứa con gái nhỏ của ông. Sau khi tôi cầu nguyện xong, hai mươi phút sau, người đàn ông bước ra, tôi chúc lành cho ông và chúng tôi chào tạm biệt. Điều đó xảy ra vào một ngày Chúa Nhật.
“Thứ Bảy tuần sau, khi tôi đang giải tội, người đàn ông này đến gặp tôi – tôi không nhận ra ông … với tất cả những người đi qua vương cung thánh đường và vào mùa hè, và hơn nữa – chính ông và cô con gái tóc vàng nhỏ bé của ông, khoảng 8 hoặc 9 tuổi. Ông ta nói với tôi, ‘Thưa cha, cha có biết con không?’ Tôi trả lời: ‘Anh là ai?’
“[Ông ấy trả lời], Con là người đàn ông đã cầu nguyện với cha vào ngày hôm trước. Đây là cô con gái nhỏ của con! Đức Mẹ đã làm phép lạ cho con! Khi con cùng cha cầu nguyện vào lúc 12 giờ đêm cho con gái nhỏ của con, con gái nhỏ của con đã ngồi dậy và đòi ăn. Sau chuyến đi, vào lúc bình minh, con đến để thăm con bé. Con hỏi ở phòng chăm sóc đặc biệt và họ nói với con rằng con gái con không còn ở đó nữa. Con tưởng con bé đã chết, nhưng không, con bé đang ở với mẹ nó trong một khu nhà”.
“Chúng ta hãy nhìn vào Phúc Âm: khi Chúa Giê-su Ki-tô chữa lành đầy tớ của viên đại đội trưởng khi còn ở từ đàng xa. Tin Mừng vẫn sống động, nó lặp lại chính nó và [làm như vậy] qua Đức Maria. Đây là những gì tôi muốn kể lại. Đây là câu chuyện có thật, và còn những câu chuyện khác mà tôi đã kể với Đức Phanxicô khi tôi ở Buenos Aires. Ngài yêu cầu tôi viết ra những điều này, và đó là những gì tôi đang làm, nhưng rất, rất chậm”.
Trong câu chuyện này, không có tên, nhưng có sự kiện. Vị linh mục, người chọn ẩn danh, không hề nghe tin tức gì về gia đình có đứa con gái được chữa lành. Rõ ràng trước mắt chúng ta là một chứng tá mạnh mẽ về sự dấn thân khiêm nhường đối với đức tin. Tin Mừng được thực hiện trong những điều kỳ diệu được lặp đi lặp lại này đưa chúng ta đối diện với mầu nhiệm của Thiên Chúa và các công việc của Ngài trong mọi thời đại. Người bạn linh mục của chúng ta nhắc lại những lời này trong đền thánh, “những phép lạ mà Đức Mẹ ban cho giống như lật từ trang này sang trang khác của Phúc Âm. Tôi không bao giờ lấy tên của những người đã nhận được phép lạ; tôi chỉ biết cảm ơn và ngợi khen Chúa. Với Đức Trinh Nữ Maria, kinh nghiệm mà tôi có được là sống theo Phúc Âm từng điểm một”.