chi tiết
Cập nhật 15:50 19/08/2021 Lượt xem: 308
Share via Email
In bài viết

Về Quê Ngoại

Chiếc đồng hồ ngoài phòng khách đàn lên một điệu nhạc trầm bổng rồi thong thả “bòn…bòn…”. Phượng đếm nhẩm trong miệng và thốt nhiên giật mình. Đã mười hai giờ khuya cơ à! Phượng chép miệng, đưa mắt nhìn quanh. Qua ánh sáng xanh dịu của chiếc đèn đêm, mấy đứa em nó đều đã triền miên trong giấc ngủ say. Phượng xoay sang phải rồi xoay sang trái cố dỗ giấc ngủ, nhưng vẫn thấy trằn trọc. Nó miên man nghĩ đến chuyến về quê sáng mai…

Quê ngoại Phượng ở Mỹ Tho, cách thị xã hơn 5 cây số đường xa lộ. Từ đường cái trải nhựa phải đi quanh co trong làng hơn một cây số nữa mới đến nhà ngoại Phượng.

Nhà của ngoại nằm trên một khu đất rộng, quanh nhà rợp bóng mát, phía trước nhà, hơn ngàn gốc mận đủ loại được trồng thẳng lối trên mấy liếp đất rộng. Những chiếc mương ngăn cách các liếp, mang nước sông đến, thấm vào lòng đất, đi dần vào thân cây, mang cả phù sa của sông Cửu Long hiền hòa, bồi đắp thêm cho khu vườn ngoại nó.

Ngoại nó trồng đủ loại mận, mận da người, mận xanh, mận hôi, mận hồng đào. Mận của ngoại sao mà ngọt thế, ăn chẳng bao giờ chán! Nhớ có lần theo ngoại ra vườn, nó tò mò hỏi ngoại:

    • Ngoại ơi! Sao lại kêu là mận da người hả ngoại? Mận hôi nữa? Con ăn chỉ thấy dòn và ngọt ngay chớ đâu có hôi, ngoại?

Ngoại nó thật hiền lành, cười:

    • Tại người ta đặt tên nó vậy đó con. Mận da người vì màu nó xanh xanh, hồng hồng giống nước da người ta đó mà. Còn mận hôi, vì trên thân loại cây mận này có lắm kiến hôi đến làm tổ đó, con à!

Vào mùa mận, vườn ngoại nó thật vui. Có khoảng gần 20 người hái mướn cho ngoại nó. Người ta bẻ mận thật tài tình. Chiếc lồng tre đan ở chót trên đầu, phía dưới, thân tre thật dài để làm tay cầm. Lồng thật nặng, không làm sao nó dựng nổi chiếc lồng ấy! Thế mà người ta sử dụng thật nhẹ nhàng và khéo léo. Họ đưa lồng lên mãi trên cao và từng chùm mận chín nhẹ nhàng rơi vào, ít khi rụng ra ngoài một trái. Chỉ một buổi, mỗi người có thể hái cho ngoại nó năm, sáu thúng mận đầy. Có lần nó bắt chước, cố cầm chiếc lồng lên, nhấc mãi và cố hết sức nó chỉ đưa cao khỏi mặt đất không hơn một thước. Nó đành buông xuống làm mọi người cười ồ, thú vị. Ngoại đã chê nó

    • Tụi bây “ở chợ”, như cọng bún thiu!

Mận vườn ngoại ngon thật! Trái vừa to, nước vừa nhiều, vừa dòn, vừa ngọt. Chả bù với mận bán ngoài chợ, mận nhỏ lại chát! Về ngoại, buổi trưa xách chiếu trải dưới bóng cây, ăn mận với nước mắm đường thì quên thôi! Ăn mỗi đứa cả rổ, bụng căng ra mà miệng vẫn còn thèm, ăn thêm vẫn còn được. Bất giác, Phượng nuốt nước bọt. Ờ! giá có vài trái bây giờ nhỉ!

 Mận của ngoại đã ngon, mà dừa cũng không kém. Sau nhà là vườn dừa, cây cao cây thấp chen lẫn nhau. Trưa ngủ dậy, uống nước dừa nghe mát tận ruột gan. Cơm dừa dày, ăn kèm với đường thốt nốt, béo và hấp dẫn không chịu được! Dừa khô, ngoại nó làm thật lắm món. Nào chuối xào dừa, bánh bò nướng, xôi nước dừa…Ôi! Sao lắm thứ bánh! Những ngày về quê ngoại là những ngày thần tiên cho chúng nó. Gà vịt, trái cây, những món ăn mang đầy hương đồng cỏ nội…Ăn rồi chơi, thỏa thích.

Hai bên hông nhà, vườn quít với trái chín chĩu cành và vườn chuối mang những quày sai trái. Trong vườn chuối, có lẫn vài chục gốc xoài, gốc mít, dăm ba cây cóc, đủ trái để bầy cháu của ngoại về khuân đi.

Phượng nghĩ đến những quả cóc to như nắm tay mà bắt thèm. Cóc gọt vỏ, tách ra như cái bông, chấm muối ớt mới tuyệt. Nhưng cóc xanh cũng chưa bằng cóc chín! Mỗi lần ngoại lên, Phượng hay lén dấu năm sáu quả vào tủ của nó. Chả phải nó tham ăn đâu, vì dù sao năm nay nó cùng đã học lớp tám rồi chứ nào nhỏ nhít gì; nhưng ghét cái mấy đứa em, nếu không cất đi thì khi dòm lại, ít khi còn!! Cóc cất vào tủ hai ba hôm, da trở nên vàng, vàng như xoài chín. Cóc này ăn vào thì không gì sánh kịp! Vừa ngọt, vừa thơm, với một chút chua chua đủ làm kích thích tối đa vị giác…

Chua hơn cóc, Phượng nhớ đến quả bần. Đây là loại cây dại, mọc rất nhiều hai bên bờ sông, rạch. Một con rạch nhỏ, rộng cỡ năm thước chảy qua một phần  mảnh vườn của ngoại, trước khi đổ ra con sông cái. Ven bờ rạch, dừa nước mọc chen chúc, thỉnh thoảng một cây bần. Đôi khi mấy chị em nó nhờ chị làm vườn chèo xuồng đưa chúng đi chơi sông. Mấy khi nước lớn, chúng chỉ cần đứng trên xuồng là có thể níu được những cành bần chĩu trái lào xòa ven bờ rạch. Quả bần xanh mướt, tròn nhưng dèm dẹp, cuống đỏ tươi nom thật lạ! Quả non ăn chát quíu cả lưỡi, quả chín mềm mềm, chua dịu.

Đi chơi rạch, không muốn ăn bần, đã có dừa nước. Loại dừa lá thật dài để lợp nhà, thế mà cho trái ăn ngon đáo để. Một quày chi chít những trái nâu, to hơn nắm tay người lớn. Đôi khi chị em Phượng mang cả quày về nhà, bổ lấy cùi bên trong ướp đường với chút đá, ăn vừa thơm ngon, vừa lạ miệng. Mấy đứa anh họ suýt soát tuổi Phượng có lần chặt bẹ dừa dưới nước cho chị em nó làm phao tập lội, vui đáo để!

Những khuôn mặt quen thuộc hiện ra trong trí Phượng. Nào chị Thủy với hai chiếc răng “chừa cửa sổ”, anh Thanh tài tình chuyên môn bắn chim, và một lô bạn bè miền quê chất phác của nó. Mai gặp lại chắc chúng nó vui lắm. Phượng mỉm cười trong bóng tối. Nó đã soạn sẵn một chồng báo Thiếu Nhi đem theo về quê ngoại, gọi là chút quà tinh thần cho lũ bạn. Tha hồ cho chúng nó thích!

Riêng phần ngoại, ngoài quà bánh mẹ đã mua gửi về, Phượng đã làm và để dành hơn 10 cái “Choux à la crème” trong tủ lạnh. Nó phải lúi húi cả buổi chiều nay trong bếp. Bánh nó làm trông không đẹp, không “nhà nghề” bằng ở tiệm nhưng cũng ngon ra gì! Ngoại chắc phải rất hài lòng trước tấm lòng thảo của đứa cháu gái.

Phượng thương ngoại lắm! Ông ngoại Phượng mất đã mấy năm nay. Bà ngoại quạnh hiu trong khu nhà rộng với người phụ việc vì các dì, các cậu và mẹ Phượng đều làm ăn cả ở Sàigòn. Các con muốn rước ngoại lên ở chung nhưng ngoại chỉ ở dăm ba hôm. Ngoại bảo không thể xa rời ngôi nhà dưới quê được. Ngoại phải ở lại trông nom vườn tược để khi đất nước thái bình, con cháu có chỗ trở về dung thân; chứ thành phố nhà hẹp người đông, đâu phải là chỗ ở thích hợp cho con cháu ngoại. Lý do sâu xa hơn, chính là ngoại không muốn mấy bàn thờ tổ tiên trong nhà “hương tàn khói lạnh”. Ngoại thường nói “Tao phải ở lại đây để nhang khói cho ông bà chứ”.

Sớm mai, chị em Phượng sẽ được về quê ngoại chơi một tuần lễ “hành trang” đã sẵn cả rồi.

Chắc là ngoại sẽ mừng ghê lắm. Ngoại sẽ ôm từng đứa vào lòng, vuốt ve trìu mến. Ngoại sẽ nói với người làm: “Hai à! Làm cái này…, nấu cái này…Cho tụi nó ăn đi nghe. Cho nó ăn đã đi…”

Ngoại nó vẫn thế, chẳng hề tiếc chút gì với con cháu. Khi có ai khuyên để dành món gì lại cho ngoại ăn, ngoại vẫn thường bảo: “Ối! Tao già cả rồi…! Ăn bao nhiêu. Làm hết cho tụi nó. Đông như đám hát, làm ít ăn sao đủ…”

Ngoại già rồi, gần 80 chứ đâu ít, ngoại hay bị đau lưng, nhức mỏi. Về dưới, tối Phượng sẽ đấm bóp cho ngoại này. À! Phượng vừa mới học được món chả lá làm bằng trứng với tôm, Phượng cũng sẽ trổ tài cho ngoại thưởng thức…

Trong giấc mơ, hình ảnh ngoại hiện ra trước mắt Phượng. Ngoại Phượng với tóc bạc, da nhăn nhưng thật hiền hòa, phúc hậu. Phượng sung sướng lẩm bẩm: “Thưa ngoại, con mới về”.

Trên chiếc giường gần đấy, mẹ Phượng vừa chép miệng: “Gớm, con bé hay nằm mơ đến thế thì thôi!”

Sàigòn 25-7-1973

Ái-Thơ 

XEM BÀI VIẾT CÓ TỪ KHÓA
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận