chi tiết
Cập nhật 14:44 06/08/2021 Lượt xem: 341
Share via Email
In bài viết

Tâm Sự của Nghệ Sĩ Bạch Tuyết – Cải Lương Chi Bảo

Bạch Tuyết vào nghề rất sớm, rất tình cờ.

Mẹ mất sớm lúc 8 tuổi, Ba có Má sau nên sự chăm chút không được như mọi người.

Đi học trong trường nội trú, Bạch Tuyết nổi tiếng ngay trong trường khi được Thầy và các Sơ kêu lên ca cho cả lớp nghe trong giờ Việt Văn.

Những lúc Giáng sinh thì Bạch Tuyết làm thiên thần bay và hát.

Trong trường có mấy người bạn là con của các bác đờn ca tài tử giỏi.

Chủ nhật, thứ Bảy không có ai rước về, mấy đứa bạn rủ Bạch Tuyết về nhà chơi.

Khi đến nhà bạn thì mấy bác biểu ca thử bài Ngựa Ô Nam đầu tiên.

Có lẽ thấm nhuần từ hồi nào mà Bạch Tuyết cũng không biết nữa khi mấy bác mới đờn lần đầu tiên, xong đến lần thứ nhì là Bạch Tuyết ca được mà ca trúng liền.

Tiếp đến mấy bác đưa bài Lý Con Sáo và cũng vào trúng nhịp làm cho mấy bác ngạc nhiên.

Bạch Tuyết nổi tiếng với các vở diễn Thái Hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, Thúy Kiều…

Đến năm 2021, Bạch Tuyết 77 tuổi, trải qua 60 năm cống hiến cho nghệ thuật cải lương của nước nhà.

Các giải thưởng và danh hiệu qua dòng thời gian

  • 1963 Huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm
  • 1965 Huy chương vàng giải Thanh Tâm cho diễn viên trẻ xuất sắc. Từ đây, danh xưng “Cải lương Chi Bảo” gắn liền với tên tuổi Bạch Tuyết
  • 1988 Nghệ sĩ Ưu Tú
  • 1995 Bạch Tuyết bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài

“Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khác giả thế kỷ 21” tại:

      • Hội đồng Viện Hàn Lâm Hoàng Gia Kịch nghệ Anh Quốc và
      • Hội đồng Viện Hàn Lâm Phim ảnh – Sân khấu Sofia
  • 2012 Nghệ sĩ Nhân Dân

Bạch Tuyết có duyên với sân khấu khi cô Bạch Huệ, chú Tư Rọm cùng vợ là cô Bạch Mai đưa tiếng hát Bạch Tuyết lên đài phát thanh.

Lần đầu tiên lên đài là báo chí nói liền: “Có một con chim lạ bay vào làng nghệ thuật.”

Cơ hội đến với Bạch Tuyết khi bỗng nhiên ở Kiên Giang có một đại gia lập ra một đoàn hát và một đại gia cất một nhà hát mới gọi là Đoàn Kiên Giang.

Trong lúc chỉ còn 15 ngày nữa đoàn hát khai trương thì có một đoàn hát khác bắt cô đào chính đi.

Ba Điêu Huyền, một soạn giả rất uy tín trong làng nghệ thuật thời bấy giờ đến nhà mời Bạch Tuyết đi hát.

Ba của Bạch Tuyết không cho đi vì ông nội nói: “Ba dạy con không tốt cho nên mới sinh ra xướng ca vô loại.”

Bạch Tuyết xin với Ba và nói: “Nếu ba không cho đi thì con cũng trốn đi. Nếu ba cho con đi, con làm đàng hoàng thì con về.

Con mà hư hỏng, bê bối thì con tự tử con chết luôn cho nhà khỏi mang tiếng.”

Lúc đó Bạch Tuyết gần tròn 16 tuổi.

Trong thời gian 15 ngày, Bạch Tuyết vừa tập tuồng, vừa tập đánh kiếm từ các anh vệ sĩ, tập múa từ các chị múa.

Bạch Tuyết rất xúc động khi thấy các bảng quảng cáo có hình của mình.

Cô chạy đi, chạy lại, chạy tới, chạy lui, đi qua đường đối diện nhìn sang với vẻ mặt hớn hở “Í, mình!” mà nước mắt chảy ròng ròng.

Trong sân khấu có truyền thống là cho những người khéo trang điểm để làm mặt cho cô đào đầu tiên lên sân khấu ngày đó và Bạch Tuyết được vậy.

Tới giờ hát, đứng ở cánh gà, bác đạo diễn nói: “Tới con rồi đó, ra đi”.

Bạch Tuyết không dám ra, tay run run, bác đẩy ra, Bạch Tuyết xiểng niểng đứng lên hát luôn đàng hoàng tử tế cho đến chót.

Khán giả vỗ tay quá trời quá đất.

Đến tối, vãng hát Bạch Tuyết được lãnh lương.

“Một đứa con nít 16 tuổi mà được một đống tiền vì làm đào chánh.”

Cầm tiền hoài, đi tới đi lui, Bạch Tuyết hỏi mấy chú hậu đài: “Lương chú mỗi đêm bao nhiêu?”

Hỏi anh vệ sĩ và được biết nó cách biệt mấy chục cây số.

Bạch Tuyết nghĩ: “Mình mới vô gánh hát sao mình được nhiều tiền quá vậy! Tối mai người ta còn cho mình hát nữa không?”

Từ đó Bạch Tuyết nghĩ: “Mình phải chia sẻ cho đàng hoàng”.

Không có ai dạy cô nhưng cô nghĩ: “Cuộc sống mà nó cách biệt nhiều quá thì nó không phải đúng như vậy.”

Hồi đó gọi là hát từng bến vì có khi đoàn đi bằng ghe.

Mỗi một bến, nhiều nhất là 5 ngày, ít nhất là 3 ngày.

Bạch Tuyết nói với mấy ông bà bầu: “Nếu hát 3 ngày thì con lãnh lương 2 ngày thôi, còn một ngày thì chia đều hết cho mấy người công nhân hậu đài.”

Từ đó cho đến ngày lớn, thậm chí cho đến bây giờ, chương trình nào có hậu đài thì Bạch Tuyết cũng chia như vậy.

Má Bảy Phùng Há dạy: “Cái nghề này là một cái nghề tập thể. Trước khi con ra đây là người ta make up cho con.

Mấy người công nhân người ta sắp từng cái ghế, sắp từng bóng đèn rọi cho con, rồi những người đàn.

Đây là một cái nghề mà rất nhiều con người tổng hợp lại với nhau cho nên mỗi lần khán giả vỗ tay con thì con phải nhớ rằng bao nhiêu người cúi xuống để cho con bước lên lưng của người ta.”

Mỗi một giọng ca sẽ thích hợp với những nhấn nhá của đờn.

Song hành với Bạch Tuyết là nghệ sĩ Thanh Hải, một mình đờn với 5, 6 cây đàn giống như 1 dàn nhạc giao hưởng.

Bạch Tuyết bộc bạch: “Cho dù là nổi tiếng đến thế nào, khán giả có thương đến đâu và đặc biệt vị trí như thế nào nữa đó, đứng trước người đàn thì mình vẫn là đứa học trò nhỏ và lúc nào cũng tuân theo nhịp điệu của người nhạc sĩ bày ra.”

Nghệ Sĩ Bạch Tuyết là một trong những cây đại thụ của nền sân khấu cải lương Việt Nam.

Người nghệ sĩ chỉ có giá trị khi nói những lời thật với khán giả của mình, làm thế nào cho cuộc sống mỗi ngày càng đẹp hơn, trong sạch hơn, thánh thiện hơn và ý nghĩa hơn.

 

XEM BÀI VIẾT CÓ TỪ KHÓA
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận