chi tiết
Cập nhật 07:40 17/05/2022 Lượt xem: 379
Share via Email
In bài viết

Ơn gọi

Bước từng bước, truyện ngắn nhà đạo của Vatican News tiếng Việt

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Dung

Tập san: Mục Đồng số 7

Giọng đọc: Thanh Uyên

Nhi đứng trước cửa sổ, mắt nhìn về xa xăm.

Xứ bắc ở phía ấy, nơi những cơn gió lạnh bắt đầu thổi tới, nơi cha mẹ cô vẫn hằng nhớ thương những người con đã dâng mình cho Chúa.

Bố mẹ cô vẫn vui vẻ quảng đại dâng cho Chúa tất cả những gì ông bà có và tâm tình ấy luôn tươi mới như ngày nào.

Sau lưng cô, chiếc đàn Organ nằm im trên giá, phủ tấm khăn voan mỏng đợi người dạy nhạc đến.

Một khi tấm khăn ấy mở ra là căn nhà ngập tràn nhạc thánh ca du dương tha thiết như cô đang đón chờ đấng tình quân của mình vậy.

Mới đó thôi, hai năm chẳng phải chặng đường dài đối với một đời người nhưng là một bước đường dài trong ơn gọi.

Năm thứ 2 tập tu, cô đã lớn lên trong cả ân sủng và tình thương của Thiên Chúa qua bàn tay yêu thương của hết mọi người.

Ấy nhưng những ngày đầu bước chân tập tễnh đi tu đã không bao giờ vơi đi.

Còn nhớ giờ này ngày trước, cô cũng đứng bên cửa sổ suy tư nhưng là một vị thế khác hẳn.

Bỗng dưng ký ức xưa dồn về như một cuốn sách đang được lật giở từng trang.

“Bố thì đui mù, mẹ thì què quặt. Một đứa là được rồi, chi mà hai đứa đi tu cho lắm.”

Lời bà cô, em bố vang vang bên tai cô.

Một con bé hấp tấp, nóng vội như cô chỉ cần nghĩ đến một việc gì thôi là cứ muốn quay quắt làm ngay lập tức cho xong mà không nghĩ trước nghĩ sau.

Chỉ khi mọi việc xong xuôi mới thở dài “giá như”.

Chọn lựa con đường dâng hiến của cô cũng ba lần bảy lượt thay đổi rồi mới can đảm đi được đến bây giờ.

Nghĩ lại cô vẫn còn sởn cả da gà và sống mũi cay cay.

Hết năm lớp 12, Nhi quyết đi tu với suy nghĩ đơn giản là không cần bằng cấp gì cũng giống như chị cô, mạnh mẽ ra đi luôn đến bây giờ đã ở tận trời Tây không tin tức, không điện thoại cũng chẳng biết sống chết thế nào, chẳng buồn quan tâm khi nào mới về lại Việt Nam.

Nhưng chị cô đã có ơn gọi từ lúc còn bé, lại là người sống nội tâm nên cô chẳng hiểu được lý do gì thúc đẩy chị dâng hiến cho Chúa.

Chị cô lì lợm mà can đảm, là một nhà truyền giáo đến vậy. Còn cô thì hoàn toàn đối lập.

“Con đi tu, bố mẹ cho con học đàn nha!”

Nghe vậy, bố mẹ Nhi thoáng chút ngạc nhiên, song hãnh diện vui mừng vì có thêm một đứa con không lo việc đời mà ao ước được sống trong nhà Chúa.

Gia đình cô chẳng giàu có gì.

Năm chị em đang tuổi đi học nhưng thật oái ăm khi hai đứa con gái đầu cứ thế quyết định đi tu không nghĩ đến bố mẹ đã dần già đi và cũng cần được con cái chia sẻ gánh bớt nặng kinh tế.

Mẹ Nhi từ 4 giờ sáng, khi mọi người đang ngon giấc nhất thì đã lốc cốc dậy đi chợ.

Bố cô dù 12 giờ đêm cũng dậy đi làm cho người ta để góp công nuôi dạy các con nên người.

“Ừ thì đi học đàn vào tu viện biết chút âm nhạc cũng tốt. Nhi có chút năng khiếu quyết là đi thôi.”

Ngay sau khi tốt nghiệp 12 được năm ngày, cô được bố gọi dậy từ sáng sớm chuẩn bị hành trang bắt xe vào Sài Thành để tập tu với tu hội “Con Gái Chúa Giêsu.”

Hai hàng nước mắt cô lăn dài.

18 năm, nơi cô đi xa nhất là năm cây số.

Thế mà nay vào tít tận Sài Thành, chỉ có tết mới được về nhà.

Cứ nghĩ đến đó Nhi bủn rủn cả tay chân đi không nổi nhưng biết làm sao bây giờ.

Sài Gòn ồn ào tấp nập, xe cộ lúc nào cũng được nườm nượp.

Ấy vậy mà lúc nào cô cũng thấy chỉ có một thân một mình.

Cô buồn và ngày nào cũng khóc.

Cô cũng chẳng ăn nổi cơm, mệt mỏi và chán nản, mẹ cô gọi cũng chẳng đủ sức mà nói chuyện.

Các bạn bè, chị em cùng hội không động viên nổi.

Tiếng đàn cũng không giúp cô vơi đi nỗi nhớ nhà.

“Chao ôi! cứ thế này chắc con bé sẽ đổ bệnh mà phát điên mất” mẹ cô lo lắng

“Bố nó à! Hay là cho nó về đã. Bao năm trời đã bao giờ nó xa nhà đâu. Nhớ nhà quá nó sẽ ốm mất thôi. Hay là ông cho nó về” mẹ cô bàn

Nghe tin ấy, Nhi vội vàng, hấp tấp thu tất cả đồ đạc vào cái bao tải cũng chẳng cần xếp lại cho gọn gàng cứ thế đi thẳng ra xe để về nhà cho nhanh.

Giáo xứ của cô cổ điển lắm. Người ta chào đón cô bằng cái nhìn ái ngại.

Cô biết bố mẹ buồn lắm.

Bản thân cô cũng đau đớn và xấu hổ vô cùng.

Cái thành kiến “tu xuất” bị người đời chế giễu khiến một ai dù có ý định đi tu cũng phải trăn trở suy nghĩ, đã không dứt khoát thì phải từ bỏ ngay từ đầu.

Cái nếp ấy thật là nặng nề.

Một định kiến không biết từ đời nào truyền lại, làm khổ con cháu đến tận bây giờ.

Về nhà hai tháng.

Tính tới tính lui, Nhi làm hồ sơ du học Hàn Quốc để giảm tải phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình và trốn chạy cái danh tu xuất của mình dẫu cô chưa vào nhà dòng một ngày, thậm chí có thể nói là chỉ mới có ý định dự tu.

Suốt một tuần chạy đôn chạy đáo giấy tờ, tiền bạc, mệt rã rời nhưng ơn chúa một cái học bạ sáng sủa, một chiếc bằng tốt nghiệp đẹp và một chút may mắn đã khiến mọi việc thuận lợi đến lạ kỳ.

“Nhi con sang bên ấy. Ừ! thì bố mẹ biết con đi học nhưng ở phương trời xa xôi đó con có tự lo được không?

Bố Mẹ không tài nào yên tâm được.

Sài Thành dù xa nhưng muốn có thể về còn Hàn Quốc thì khác lắm.

Hơn nữa học bổng cũng chỉ đủ sinh hoạt tối thiểu thôi.

Nếu khó khăn phải báo bố mẹ hỗ trợ đừng có làm thêm mà dễ bệnh ra.

Lúc đó xôi hỏng bỏng không đấy.

Suy nghĩ chín chắn nghe con.”

Nghe bố nói thế, cô ậm ừ “Dạ! con biết rồi.”

“Em sang Hàn Quốc với anh đi.

Anh cũng đã tìm hiểu về đạo Tin Lành bên ấy.

Nếu em chịu theo, anh sẽ thôi không theo Tin lành mà theo Công giáo luôn.

Dẫu sao thì Tin lành và Công giáo cũng là anh em.”

Cô tròn mắt ngạc nhiên với Huy, người đã theo đuổi cô những năm tháng phổ thông.

Là người học trên cô hai khóa, được biết anh đã rất thành đạt ở Hàn Quốc.

Đợt này về tuyển thêm lao động bên đó.

Huy là người ngoại giáo nhưng giờ nghe nói anh đang chuẩn bị gia nhập Tin lành.

Huy hứa sẽ giúp cô có một công việc làm thêm phù hợp với sức khỏe và không ảnh hưởng đến học hành dù cho cô có chấp nhận anh hay không.

Bà cô của Nhi lại thì thầm “Nè, có điên mới không nghe theo nó. Sang bên đó có nó bảo kê.

Hơn nữa lấy nó chả sướng cả đời lại cứu thêm được một linh hồn.

Với lại chỉ có nó mới dám lấy người tu xuất.

Nghe cô đi, cơ hội ngàn năm đó con.”

Bà đây dài tiếng nhấn nhá hai chữ “Tu xuất.”

Ranh giới chọn lựa tưởng chừng như rất rộng rãi, dễ dàng.

Một bên là Hàn Quốc với mùa thu lá đỏ đẹp ngất trời, được ngao du sơn thủy, được học tập ở môi trường tốt và tương lai rộng mở, ăn những món ăn ở Việt Nam chẳng bao giờ có cộng với một bờ vai tin cậy.

Còn một bên là nhà dòng vây kín bốn bức tường, ăn uống kham khổ, làm việc và tâm trí luôn hướng về Chúa Trời yêu thương khiến cô một lần nữa phân vân.

Nhưng bỗng dưng cô một lần nữa cất tiếng “Bố mẹ cho con đi tu lại nhé!”

Đời Dâng Hiến có phải thích là đi, không thích là về.

Ấy vậy mà cô lại tiếp tục phát ngôn mà không biết tận sâu trong lòng cô đã chín chắn hay chưa?

Phải chăng ý định và tình yêu thương của Thiên Chúa qua chương trình sắp đặt hoàn mỹ của Người sẽ chẳng bao giờ thay đổi.

Thời gian chờ đến đầu tháng 7 thi vào hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh còn dài.

Học bổng du học vẫn còn bảo lưu được một năm.

Huy nói anh ta sang Hàn Quốc trước và sẽ vẫn chờ đợi cô ở bên ấy.

Nhi ôn tập lại kiến thức giáo lý, túc tắc làm thêm giúp đỡ bố mẹ.

Khoảng thời gian đó, cô thấy mình bình yên đến lạ kỳ.

Dù cô không có tiền, không có nhiều cơ hội để tham gia với bạn bè nhưng có lẽ quyết định chắc chắn cho con đường tương lai đã khiến cô không còn phải mệt mỏi và nhất là làm dịu đi nỗi lo lắng của bố mẹ cô.

Cha xứ gọi Nhi “Chúc mừng con, đỗ rồi nhé! Mở tiệc ăn mừng thôi, ngày 20 tháng 7 nhập dòng con nhé!”

Hai hàng nước mắt cô ngấn lệ.

Con đường phía trước mở ra như một thảm hoa hồng rực rỡ sắc hương nhưng đầy gai nhọn.

Trời chuyển mưa lớn, người dạy đàn sẽ không đến, đã nhắn tin qua điện thoại bảo Nhi tự luyện.

Nhi vội khép kín cửa, quay lại nhìn chiếc đàn Organ phím đen phím trắng lộ ra như mỉm cười với cô.

Quả là định mệnh.

Vào nhà dòng được hơn một năm, cô được cử đi học đàn.

Giờ đây cô lại đến với phương nam nhưng đã trưởng thành trong tuổi tác, suy nghĩ và nhất là trong ơn gọi.

Nhi cũng mới nhận được một tin.

Mọi người đã phát hiện ra Huy là một kẻ lừa đảo.

Cô đã may mắn thoát được nanh vuốt của y.

Bằng không, giờ này có khi đã nát một đời hoa, tàn phai hai mươi ba đời nhụy nơi đất khách quê người.

Nhưng bố mẹ cô và nhiều người trong xóm cũng bị lừa mất một khoản tiền đáng kể.

Nhi không biết nên buồn hay nên vui.

Dường như cô đã không còn cảm giác với những điều trần tục ấy nữa.

Bởi giờ đây, cô đã cảm nghiệm được câu ca “Không phải con đã chọn Ngài nhưng chính Ngài đã chọn con.”

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận