chi tiết
Cập nhật 15:15 23/07/2021 Lượt xem: 364
Share via Email
In bài viết

Nhà Bác Học Nô Lệ

Sanh ra là nô lệ vì bị kẻ cướp bắt đem đi bán, sau được chuộc lại,

cậu Carver èo ọt yếu đuối, bị bịnh ho gà, mà tự học để trở thành một nhà thông thái.

Nơi sinh ra và lớn lên của Giáo sư George Washington Carver

Tại tiểu bang Alabama miền nam Hiệp Chủng Quốc, có học viện Tuskegee,

trường trung học lớn nhất của người da đen.

Hôm ấy một người da đen chừng 80 tuổi, khuỳnh tay ôm một bó hoa rừng to tướng,

cất từng bước nặng nhọc vào trường.

Với thân gầy còm vì tuổi tác, với những sợi tóc bạc hiện ra dưới cái mũ rách nát,

ông ta có vẻ rất đáng thương và như lạc lõng vào thế giới học vấn này.

(Biết bao nhiêu người da đen như ông không biết đọc, không biết viết, ngu dốt,

lang thang đây đó, để tìm những việc lặt vặt).

Thình lình, một trong những cánh cửa của tòa nhà bật ra.

Một cô thư ký trẻ chạy đến trước mặt ông và nói:

  • Thưa giáo sư Carver, phái đoàn ở Washington đang đợi ông

Thật hết sức tưởng tượng!

Người da đen ăn mặc nghèo nàn ấy chính là giáo sư George

Washington Carver.

Sanh ra là nô lệ, ông chào đời tại tiểu bang Missouri không có lấy một cái tên.

Ông sanh tại đồn điền của Moses Carver, trong một túp lều tồi tàn của người nô lệ.

Ông không bao giờ được biết cha mẹ mình cũng như biết đến tuổi mình.

Khi mới được 6 tháng, mẹ con Carver bị một bọn cướp bắt đem đi.

Ông mắc bịnh ho gà, không ai săn sóc tưởng rằng phải chết.

Sau này người nhà của Moses Carver đến chuộc những nô lệ bị cướp.

Nhưng mẹ của ông bị bán đi rồi không còn nghe ai nói đến nữa.

Về phần ông được chuộc lại bằng một con ngựa đua.

Ảnh từ nguồn Internet

Con đường học tập và làm việc của Giáo sư George Washington Carver 

Ông đau yếu luôn. Họ Carver đặt cho ông cái tên George Washington Carver.

Người ta giao cho ông phụ việc bếp nước. Sau ông thành một đầu bếp khéo léo, lại học thêm việc vá áo quần.

Họ Carver muốn ông đi học chữ nhưng không cho tiền.

Trong lúc túi không có một xu ông quyết lên đường, đến một ngôi trường cách đó 13 cây số.

Không quen ai, ông tìm đến cái chuồng ngựa cũ và ngủ đêm tại đó.

Về sau ông xin được việc làm lặt vặt để sống và ông đi học.

Học hết ban Trung học vào khoảng 20, 25 tuổi, ông làm đơn xin vào trường đại học của tiểu bang Iowa.

Nhà trường phúc đáp nhận lời. Đến khi ông trình diện, người ta từ chối ông vì ông là dân da đen.

Không nản lòng, ông lại đi tìm việc làm lặt vặt.

Ông mở được một tiệm giặt ủi nhỏ, nhờ tiền dành dụm được trong thời gian làm việc.

Năm năm sau khi bị trường đại học đầu tiên từ chối,

ông được vào học ở Đại học đường Simpson, thuộc tiểu bang Iowa.

Vừa kiếm cơm vừa đi học, ba năm rưỡi, ông đậu khoa canh nông một cách vẻ vang.

Những giới hữu trách của nhà trường mời ông giữ một chân trong ban giáo sư.

Chính trong thời gian dạy ở đó nhà đại giáo dục da đen Booker T.Washington
mời ông đến dạy ở học viện Tuskegee.

Giáo sư George Washington Carver, một tấm lòng bác ái

Ông thấy đó là một cơ hội tốt để phụng sự đắc lực đồng bào miền nam của
ông.

Ông tìm biết ngay rằng những đất trồng bông vải ở đấy lần lần bị kiệt quệ

vì người ta không theo cách trồng luân canh: mùa này trồng bông vải,

mùa sau trồng đay, rồi trở ngược lại.

Ông quyết định dạy người da đen kiếm ra tiền khác hơn là nghề trồng bông vải.

Mất nhiều lần nghiên cứu và thí nghiệm, ông tin chắc rằng những nông gia miền nam

sẽ phát đạt nếu học trồng khoai lang và đậu phọng.

Nhưng đùng một cái, ông thấy điều khuyết điểm lớn: ông đã tăng gia sản xuất
mà không tăng gia sức tiêu thụ của dân.

Đậu phọng và khoai lang trồng nhiều bị hư thối vì ối đọng. Nông gia gần như
bị khánh tận.

George Washington Carver, một giáo sư tài ba và khiêm nhường

Tuy nhiên với một ý chí cương quyết vô lượng, nhà bác học da đen mó tay vào việc cứu nguy.

Đêm ngày ở trong phòng thí nghiệm ông cố tìm tòi cho đậu phọng và khoai lang những thị trường mới.

Mỗi khi tìm ra một “phó sản” mới do sản vật chánh như đậu phọng, khoai lang tạo ra ông cung hiến không cho đời,

chỉ xin người ta dùng nó để phụng sự cho nhân loại.

Từ cây đậu phọng, ông đã chế ra hơn 300 phó sản hữu dụng như phó mát, kẹo ngọt, bột cà phê, xà bông, mực in vải, sơn v.v

Với dăm bào, ông tạo ra cẩm thạch nhân tạo. Với bùn ở các đầm ao, lá cây khô, ông làm ra một thứ phân rất tốt,

với dầu cặn đã xài, ông chế ra dầu sơn.

Từ củ khoai lang, ông trích ra năm sản phẩm như: hồ dán, bột lọc, mực, dấm ăn,
mật đường, màu nhuộm, sáp đen đánh giày.

Ông đã được những nhà chuyên môn khen ngợi.

Ông có công lớn nhất trong việc phục hưng nông nghiệp miền nam Hiệp Chủng quốc.

Ảnh từ nguồn Internet

Giáo sư George Washington Carver, một tấm gương sáng cho đời

Ngoài ra, giáo sư Carver còn là một nghệ sĩ, một họa sư, vẽ hoa tuyệt khéo.

Những cuộc triển lãm quốc tế đều có trưng bày những tác phẩm của ông.

Một tác phẩm được lưu ở bảo tàng viện Luxembourg.

Ông tự chế ra màu vẽ với đất sét ở Alabama.

Tranh của ông vẽ trên giấy làm bằng vỏ đậu phọng, và khuôn bức vẽ làm bằng vỏ bắp.

Trái lại, trong lúc phục vụ đồng bào tại Tuskegee, ông đã khảo cứu được nhiều kỳ công

khoa học.

Những nhà tư bản tranh nhau mời ông cộng sự với những số lượng to tát, nhưng ông

đều từ chối. Trong văn phòng ông, có bức ảnh đề tặng của Edison.

Có lần người ta định mua lòng ông với 100.000 đô la tặng cho ông làm sở tổn nghiên cứu.

Ông vẫn từ chối và tiếp tục ở lại Tuskegee, dùng hết đồng lương ít ỏi của mình

mà bí mật trợ cấp những sinh viên nghèo nàn muốn tiếp tục học hỏi thêm, bất kỳ là người

da trắng hay da đen.

Phần ông thì vẫn ăn mặc với quần áo sờn vá, giày mòn đến gót ông vẫn còn mang.

Lúc nào ông cũng vui vẻ, cặm cụi nghiên cứu khoa học để phụng sự nhân loại.

Giáo sư Carver đáng nêu gương sáng cho thanh niên soi chung.

(Trích từ Tuần Báo Thiếu Nhi trước năm 1975)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận