chi tiết
Cập nhật 08:08 09/06/2022 Lượt xem: 361
Share via Email
In bài viết

Đền Thánh Đức Mẹ Banneux

Ở Âu châu có nhiều trung tâm hành hương kính viếng Đức Mẹ Maria như: Lourdes ở Pháp, Fatima ở Bồ đào nha, Loreto bên Ý, Đức Mẹ đen Tschenstochau bên Ba Lan…

Bên vương quốc Bỉ có thánh địa Banneux, nơi là trung tâm hành hương kính viếng Đức Mẹ Maria.

So với các thánh địa trung tâm khác ở Âu châu, thánh địa Banneux còn trẻ mới có từ năm 1933.

Trung tâm hành hương kính Đức mẹ Banneux này có biệt hiệu “Đức mẹ của người nghèo”.

Nghèo không chỉ về của cải vật chất, nhưng còn nghèo về tinh thần, nhất là nghèo vì đời sống yếu đuối hay đau bệnh mong cần được xoa dịu chữa trị.

1. Lịch sử địa lý

Về địa dư, Banneux là một làng nhỏ miền thôn quê cách thành phố lớn Liege 20 cây số, thuộc về vùng cao nguyên Ardene.

Thành phố Liege là trung tâm văn hóa của miền Wallonien vương quốc Bỉ nói tiếng Pháp, nơi đây có tòa Giám mục, có trường đại học, có kỹ nghệ nặng, có sân bay, có đường xe lửa nối liền sang các nước lân bang…

Vào năm 1933 làng Banneux có hơn 300 người dân cư.

Những người dân sinh sống nơi đây làm nghề nông nghiệp.

Họ có đời sống yên tĩnh thanh bình nhưng nghèo.

Vì là một làng nhỏ, nên Banneux không là một xứ đạo Công giáo riêng, nhưng là một họ lẻ có cha phó lo việc mục vụ thôi.

Dẫu vậy, Bannuex lại trở thành trung tâm điểm thu hút mọi người không chỉ ở nước Bỉ, mà ngày nay còn trên khắp thế giới nữa.

Banneux trở nên nổi danh là nhờ có Đức Mẹ Maria hiện ra với cô bé Mariette Beco năm 1933.

2. Lịch sử Đức Mẹ Banneux.

Gia đình Beco là một gia đình nghèo sống ở ven bờ khu rừng trong làng Banneux.

[showhide type=”link1″ more_text=”+ Hiện ra lần thứ nhất” less_text=”-Hiện ra lần thứ nhất” ]

Ngày 15.01.1933 từ cửa sổ nhà Mariette Beco, lúc đó cô lên 11 tuổi, vào lúc tối trời nhìn thấy một người phụ nữ tỏa ánh sáng lung linh ở ngoài vườn.

Hồi hộp Mariette gọi mẹ mình và nói reo lên: “Con thấy một Bà trong vườn nhà mình kìa.“

Mẹ Mariette Beco cũng nhìn thấy thế, nhưng cho là “một mụ phù thủy“, rồi làm ngơ thúc dục con vào giường đi ngủ.

Bà đóng cửa sổ lại.

Mariette bắt đầu đọc kinh cầu nguyện và rồi trở lại nơi cửa sổ.

Nhưng ánh sáng Bà lạ đã biến mất.

Đó là lần thứ nhất Đức Mẹ hiện ra trong khu vườn nhà Beco.

Mariette Beco là con gái lớn trong gia đình.

Từ ba tháng trước đó Mariette, theo lời mẹ của Mariette kể lại, không đi tham dự thánh lễ ở thờ, không đi học Giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu, và cũng chẳng đọc kinh cầu nguyện nữa.

Mariette là một đứa trẻ có đời sống tâm linh không sốt sắng đạo đức.

Nhưng qua biến cố nhìn thấy Bà lạ với ánh sáng trong vườn, Mariette đã thay đổi đời sống ngược hẳn lại.

Lúc 07:30 giờ ngày hôm sau, Mariette thức dậy đi đến nhà thờ tham dự Thánh lễ Misa và đi học giáo lý với cha phó Jamin.

Cha phó thấy Mariette đến, ông rất đỗi kinh ngạc.

Cha phó ngạc nhiên, vì nghĩ rằng Marette không học giáo lý xưng tội lần đầu nữa.

Mariette chỉ đến học thời gian trước đây rất bất thường họa hiếm.

Việc Mariette bê trễ như thế có lý do, vì cô là con gái lớn trong gia đình có bảy người con.

Nên cô phải lo phụ giúp mẹ việc trong nhà, mà mẹ cô lại hay đau yếu không được khoẻ.

Còn cha Mariette là người dửng dưng đã quyết định con gái mình không bắt buộc phải tiếp nhận Bí Tích Rước Lễ lần đầu.

Cha phó Jamin ngạc nhiên, vì trước đây nửa tháng trước đó ngài đã tới Beauraing trong nước Bỉ, nơi Đức Mẹ cũng đã hiện ra trong khoảng từ ngày 29.11.1932 đến 03.01.1033 với năm trẻ em.

Nơi đó cha phó Jamin cùng nhóm hành hương đã làm tuần chín ngày cầu nguyện xin cho đời sống đức tin trong xứ đạo Banneux được đổi mới sốt sắng việc đạo đức kính mến thờ phượng Chúa.

Nhưng ngài đâu có nghĩ tới việc ăn năn trở lại của một người trong xứ có đời sống đạo nguội lạnh thờ ơ với đạo nghĩa nhà thờ đâu.

[/showhide]

[showhide type=”link2″ more_text=”+ Lần hiện ra thứ hai” less_text=”-Lần hiện ra thứ hai” ]

Ngày 18.01.1933 lúc 19:00 giờ, Mariette ra ngoài vườn quỳ gối hai tay chắp lại.

Cha cô thấy thế chạy lại gần đánh thức cô cho khỏi cơn mê ngất trí cùng làm cho cô bớt sợ hãi.

Nhưng Mariette không màng chi tới hành động của cha mình lúc đó.

Ông chạy đi báo cho cha phó Jamin, nhưng không gặp được cha phó.

Mariette đứng dậy đi ra khỏi vườn theo chân Bà lạ gọi dẫn đường.

Hai lần Mariette té quỳ xuống nền đường tuyết phủ đóng cứng.

Lần ngã quỳ thứ ba bên vệ đường nơi có vũng nước chảy ra từ một nguồn nước ngầm.

Bà lạ nói với Mariette:“Con hãy nhúng đôi tay con vào nước này”.

Mariette ngoan ngoãn làm theo lời chỉ dạy nhúng hai tay vào vũng nước lạnh buốt xuống tận đáy sâu.

Và khi làm như thế Mariette để rơi cỗ tràng hạt, nhưng ngày hôm sau tìm lại được.

Mariette nhắc lại lời Bà lạ đã nói với mình:

“Dòng nước này dành cho con. Chúc con một buổi chiều tối an bình. Tạm biệt con.“

Ngay buổi chiều hôm đó cha phó Jamin được nói cho biết sự thể đã diễn biến xảy ra với Mariette.

Ông đã tới nhà Beco thăm gia đình.

Cha của Mariette nói với cha phó:“Ngày mai con sẽ đi xưng tội và rước lễ.“

Đây là việc ăn năn trở lại thứ hai.

[/showhide]

[showhide type=”link3″ more_text=”+ Lần hiện ra thứ ba” less_text=”- Lần hiện ra thứ ba” ]

Thứ năm ngày 19.01.1933 thời tiết ngoài trời rất xấu.

Mariette ra quỳ gối trên một lối đi nhỏ hẹp trong vườn.

Lúc đó vào khoảng 19:00 giờ và có 06 người cùng theo Mariette.

Bà lạ xuất hiện, Mariette hỏi:”Thưa Bà đẹp, bà là ai vậy?“

“Ta là người Mẹ của người nghèo“.

Mariette nhắc lại:”Ô, Bà là người Mẹ của người nghèo.“

Đức Mẹ Maria dẫn Mariette đi tới dòng nước.

Mariette hỏi tiếp:”Thưa Bà đẹp, ngày hôm qua bà nói với con: Dòng nước này dành cho con. Tại sao lại cho con?“.

Vừa nói cô vừa chỉ vào thân mình có ý muốn nói, dòng nước này cho riêng mình.

Đức Mẹ mỉm cười trả lời:”Dòng nước này cho mọi dân tộc”

Mariette nhắc lại:”Cho tất cả mọi dân tộc, mang lại sự yên ủi cho người đau bệnh, cho những người bị bệnh tật. Cám ơn Bà.“

Đức Mẹ Maria nói thêm vào:“Mẹ sẽ cầu nguyện cho con. Tạm biệt con.“

Mariette nhắc lại lời: “Dân tộc“, cô không hiểu chữ đó mang ý nghĩa gì và đi trở về nhà.

Đến nhà nhìn thấy cha mình, cô chạy đến ôm cha.

[/showhide]

[showhide type=”link4″ more_text=”+ Lần hiện ra thứ tư” less_text=”- Lần hiện ra thứ tư” ]

Thứ sáu ngày 20.01.1933, Mariett cả ngày nằm trong giường để nghỉ cho đỡ mệt.

Vì đêm qua cô trải qua cơn khó ngủ.

Lúc 18:454 giờ, cô chỗi dậy ra khỏi giường mặc quần áo và đi ra ngoài, cho dù bị ngăn cản.

Cô mời những người lớn cùng đi với mình.

Trên đường đi cô quỳ gối đọc kinh cầu nguyện ít lâu.

Khi Đức Mẹ hiện đến, Mariette kêu lên:“Ô, kìa Bà đến rồi.“

Rồi cô nói chuyện với Đức Mẹ:“Thưa Bà đẹp, Bà muốn điều gì?“.

Đức Mẹ mỉm cười nói:“ Mẹ muốn có một ngôi nhà nguyện nhỏ.“

Rồi Đức Mẹ giơ tay ra và lấy tay phải chúc lành cho cô.

Mariette ngất xỉu ngả qụy nằm xuống mặt đất.

Người ta xúm lại khiêng cô về nhà, sau đó cô tỉnh lại.

Liền ba tuần sau đó từ ngày 21.01 đến 11.02, Đức Mẹ không hiện ra.

Mọi sự trở lại yên tĩnh.

Những người tò mò không còn đến xem đông nữa.

Riêng Mariette vẫn trung thành hằng ngày vào lúc 19:00 giờ, cô ra ngoài vườn quỳ cầu nguyện cho dù trời lạnh mùa Đông.

Cô đọc kinh lần chuỗi bốn, năm, sáu, bảy tràng hạt.

Đôi khi cô đọc kinh một mình không biết mệt mỏi.

[/showhide]

[showhide type=”link5″ more_text=”+ Lần hiện ra thứ năm” less_text=”- Lần hiện ra thứ năm” ]

Lần hiện ra này xảy ra hôm 11.02.1933.

Như những lần trước Mariette đi trên đường ra chỗ dòng nước quỳ gối xuống hai lần và nhúng đôi tay vào dòng nước cùng làm dấu thánh giá trên mình.

Bỗng chốc cô đứng dậy chạy nhanh về nhà và khóc.

Cô hỏi cha mình về ý nghĩa “xoa dịu“, mà cô không hiểu lời Đức Mẹ nói với cô:”Mẹ đến đây xoa dịu nỗi đau khổ“

Lẽ ra đến tháng Năm, Mariette mới được rước lễ lần đầu, nhưng ngày hôm sau Cô được lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể lần đầu.

[/showhide]

[showhide type=”link6″ more_text=”+ Lần hiện ra thứ sáu” less_text=”- Lần hiện ra thứ sáu” ]

Ba ngày qua đi và người tò mò đến xem cũng giảm bớt đi.

Ngày 15.02.1933 vào buổi chiều Mariette chỉ có ba người đồng hành được chứng kiến lần hiện ra thứ sáu của Đức Mẹ.

Mariette nói với Đức mẹ thắc mắc của cha phó Jamin:“Thưa Mẹ rất thánh, cha phó yêu cầu con nói với Mẹ xin một dấu chỉ.“

Đức mẹ Maria trả lời:”Hãy tin tưởng vào Mẹ. Mẹ sẽ tin tưởng các con.“

Rồi Đức Mẹ nói thêm vào: “Hãy cầu nguyện nhiều. Tạm biệt con.“

Mariette cầu nguyện, xấp mặt xuống đất, cô khóc vì Đức Mẹ biến đi mất.

Đức Mẹ Maria đã tin tưởng trao mầu nhiệm cho đứa con nhỏ Mariette.

[/showhide]

[showhide type=”link7″ more_text=”+ Lần hiện ra thứ bảy” less_text=”- Lần hiện ra thứ bảy” ]

Ngày 20.02.1933 Mariette quỳ gối giữa trời tuyết đổ giá rét.

Cô đọc kinh lần chuỗi mân côi, có 8 người cùng đồng hành bên cạnh.

Bất ngờ cô đọc kinh to tiếng và nhanh hẳn lên.

Cô đứng dậy đi ra khỏi vườn, quỳ xuống hai lần trên mặt đường và lần thứ ba nơi dòng nước hôm trước.

Nơi dòng suối nước, cô cầu nguyện và khóc.

Đức Mẹ Maria nói với cô:“Con yêu quý, hãy cầu nguyện nhiều.“

Theo lời Đức Mẹ nhắn bảo, Mariette đã làm theo, đêm hôm đó vào khoảng 22:00 giờ, cha cô đã thấy con gái mình quỳ bên giường dựa vào một chiếc ghế, tay lần hạt đọc kinh.

[/showhide]

[showhide type=”link8″ more_text=”+ Lần hiện ra thứ tám ” less_text=”- Lần hiện ra thứ tám ” ]

Mariette phải chờ đợi tám ngày trước khi Đức mẹ hiện ra lần thứ tám và cũng là lần sau chót ở Banneux với Mariette .

Thứ năm ngày 02.03.1933 lúc 15:00 giờ, trời mưa như trút nước.

Vào khoảng 19:00 giờ, Mariette che dù đi ra ngoài, đang khi lần hạt đến chục thứ ba, trời tạnh ngừng mưa.

Mariette giữ thinh lặng, giang tay ra, đứng dậy đi thêm một bước và quỳ xuống.

Cô chống khủy tay xuống khóc nức nở.

Thấy vậy cha cô đến đỡ cô dậy.

Trời lại đổ mưa tiếp.

Về nhà cô thuật lại trong dòng nước mắt sứ điệp Đức Mẹ nói với cô:“Ta là Mẹ Đấng Cứu Chuộc, Mẹ Thiên Chúa. Con hãy cầu nguyện nhiều.“

Đức Mẹ chắp đôi tay lại và nói:“Tạm biệt con.“

Mariette nói:“Đức Mẹ nói với tôi chào tạm biệt, Tôi sẽ không nhìn gặp lại Đức Mẹ.”

Sau này Mariette nói:“Đức Mẹ chỉ nói một chữ tạm biệt.“

Như thế Đức Mẹ hiện ra với Mariette Beco tất cả tám lần ở Banneux với bốn lần ra dòng suối nước, và bốn lần khác ở trong vườn hay ngoài đường.

Và từ ngày đó dòng suối nước Đức Mẹ Banneux như lời Đức Mẹ nói với Beco “Dòng suối nước dành cho mọi dân tộc“ đã trở nên dòng suối nước linh thiêng thu hút hàng trăm ngàn người đến cầu nguyện kính viếng Đức Mẹ nơi thánh địa Banneux.

[/showhide]

3. Thánh địa Banneux.

Sự kiện Đức mẹ Maria hiện ra với Mariette Beco đã được Giáo quyền địa phương chú ý theo dõi kiểm tra.

Đức Giám Mục giáo phận Liege từ năm 1942 đến 1947 đã chính thức công nhận việc sùng kính Đức Mẹ Maria là mẹ của người nghèo.

Ngày 22.08.1949 sự kiện Đức Mẹ hiện ra tám lần ở Banneux được công nhận là đúng cùng chân thật.

Từ đó những khách hành hương kính viếng Đức Mẹ Banneux hoặc cá nhân riêng lẻ hay từng đoàn thể hằng ngày kéo đến đông đảo, nhất là vào thời gian từ tháng Năm đến tháng Mười hằng năm.

Họ đến nhúng đôi tay vào dòng suối nước ban ơn lành.

Họ đến đọc kinh cầu nguyện cho những ý chỉ ước nguyện riêng tư.

Họ đến để kín múc nguồn ơn cho nhu cầu chữa lành, an ủi bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn.

Ngày 21.05.1985 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị, bây giờ là Hiển Thánh trong Giáo Hội, đã hành hương đến Banneux nơi dòng suối nước này, và Ngài đã nhúng đôi tay vào dòng nước đó đang khi cầu nguyện.

Dịp này có 100.000 người cùng đến hành hương chung với ngài.

Và hằng năm có tổng số khoảng hơn kém bốn trăm ngàn người đến dòng suối nước Banneux hành hương kính viếng Đức Mẹ, chủ yếu vào thời gian từ tháng Năm đến tháng Mười.

Ngày nay, nơi thánh địa Banneux ngôi nhà của gia đình Beco còn được gìn giữ bảo trì, khu vườn sau nhà bây giờ là sân đốt nến cầu nguyện, có một ngôi nhà nguyện nhỏ được xây dựng như ý Đức Mẹ mong muốn.

Ngôi nhà nguyện được xây dựng khánh thành ngày 15.08.1933.

Trong nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra, nơi Đức Mẹ đứng lúc hiện ra có lát đá hình kiểu Mosaic với dòng chữ “HUC Velens, VoLUIt MatrIsr eCLUDere peCtus – Khi Đức Mẹ hiện đến nơi đây, Đức Mẹ muốn mở trái tim người mẹ ra.“.

Trên con đường đi đến dòng suối nước, Mariette đã ngã quỳ xuống ba lần.

Nơi những chỗ này còn ghi dấu lại với Logo có dòng nước và ngôi sao năm cánh khắc ghi trên đó.

Ngôi nhà thờ lớn dâng kính Đức Mẹ của người nghèo với hơn 5.000 chỗ cho khách hành hương được xây dựng năm 1984.

Ngôi thánh đường này được xây dựng nhìn bên ngoài như một chiếc lều, mà trong Kinh thánh Cựu Ước diễn tả chiếc lều đựng Hòm Bia lề luật Thiên Chúa nơi gặp gỡ Thiên Chúa với dân của Ngài đang trên đường di chuyển lữ hành từ Ai Cập trở về quê hương Chúa hứa.

Ngoài ra còn có hai nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra và nhà nguyện Thánh Phanxico nằm song song hai bên công trường Esplana, mỗi nhà nguyện có hơn 400 chỗ ngồi.

Dòng suối nước là trạm cuối cùng nơi Đức Mẹ hiện ra dẫn Mariette Beco và mọi người đến đó.

Bể chứa đựng nước chảy ra từ nguồn vách đá như hiện nay được xây dựng làm năm 1985 có khắc ghi dòng chữ “Fons UnUS ChrIstUS JesUs hUnC aLMa reCLUDit – Chúa Giêsu Kitô là nguồn dòng nước duy nhất, mà Đức Mẹ dẫn chúng ta đến, luôn hằng rộng mở cho mọi người.“

Bên trên tường dòng suối nước tượng Đức Mẹ Banneux hai tay chắp trước ngực, đầu hơi nghiêng cúi xuống mắt hướng nhìn đoàn con bên dưới đang nhúng tay cầu khẩn xin ban ơn phù giúp.

Trong khu rừng thông thánh địa là con đường với 15 chặng đàng thánh giá.

Rải rác bên vệ đường trong thánh địa có những ngôi nhà nguyện nhỏ, những trạm bàn thờ kính Đức Mẹ, kính vị Thánh của những dân tộc đã đến đây hành hương.

Đó là ước nguyện mong muốn của trung tâm hành hương Banneux như một dấu tích kỷ niệm để lại nơi đây.

Những con đường trong khu rừng thánh địa nơi đây tỏa chiếu không khí linh thiêng rất thích hợp cho những nhóm đoàn thể tổ chức rước kiệu cung nghinh Đức Mẹ từ quảng trường Esplana theo con đường đi qua dòng suối nước xuyên qua khu rừng có bóng râm mát tiến về nhà thờ dâng thánh lễ.

Khu vực như thế này không có ở thánh địa bên Lourdes cũng như ở bên Fatima.

Ở thánh địa Banneux có nhà dành riêng để tiếp đón những người bệnh đến hành hương kính viếng Đức Mẹ.

Trong thời gian hành hương từ tháng Năm tới tháng Mười, hằng ngày đều có giờ Chầu Thánh Thể và chúc lành cho bệnh nhân.

Từ 10 năm nay, các Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở nước Đức, rồi từ các nước Âu Châu như Bỉ, Hòa Lan, Pháp, Anh, Lục Xâm Bảo đến đây hành hương cung nghinh rước Đức Mẹ Banneux chung trong khu thánh địa vào ngày Chúa Nhật thứ hai tháng Năm hằng năm.

Ngày này theo phong tục nếp sống văn hóa Âu Châu cũng là ngày nhớ ơn mẹ.

Số người đi hành hương ngày càng đông lên tới hàng ngàn người.

Thánh địa Banneux không rộng lớn về diện tích cùng bề dày lịch sử so với Lourdes, và Fatima.

Nhưng địa điểm Banneux thuận tiện đường giao thông đi lại gần cho người Công Giáo Việt Nam sống ở chung quanh các nước vùng Trung Âu châu, Bỉ, Đức, Pháp, Hòa Lan, Lục Xâm Bảo, Anh quốc.

Và nhất là thánh địa Banneux có chỗ lý tưởng cho việc rước kiệu, vốn dĩ là phong tục nếp sống đạo của người Công Giáo Việt Nam có từ thời các Vị Thừa Sai người tây phương sang truyền giáo cách đây gần bốn trăm năm.

4. Mariette Beco, người thị kiến Đức Mẹ hiện ra là ai?

Những người được Đức Mẹ hiện ra ở Lourdes và Fatima là những người không lập gia đình vào sống trong tu viện trở thành nữ tu sau đó.

Và sau khi qua đời đã được phong Á Thánh hay Hiển Thánh trong Giáo Hội.

Nhưng trường hợp Mariette Beco ở Banneux thì không như vậy.

Mariette Beco vẫn là một giáo dân Công Giáo sống đời sống hôn nhân gia đình giữa lòng xã hội trần thế cho tới khi qua đời.

Mariette Beco là con gái lớn đầu lòng của gia đình đông con nên Mariette bận phải lo phụ giúp mẹ việc trong nhà nhiều hơn.

Mariette trước khi được Đức Mẹ hiện ra, không là người sùng đạo, bỏ đi lễ nhà thờ, bỏ học giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu thường xuyên.

Sau khi được Đức Mẹ hiện ra khuyên bảo hãy cầu nguyện nhiều, Mariette mới quay trở lại chăm chỉ cầu nguyện nhiều, nhưng như cô nói: Không muốn nói hay tỏ hiện ra bên ngoài cho ai thấy.

Năm 1942 Mariette Beco lập gia đình và có ba người con, người con thứ ba qua đời lúc còn thơ bé sau khi mở mắt chào đời.

Đời sống hôn nhân của Mariette Beco gặp khủng hoảng, vợ chồng chia tay sống ly thân.

Mariette Beco sống yên lặng lui vào ẩn dật không tiếp xúc công cộng cũng chẳng bao giờ cho phỏng vấn chụp hình hay nói về biến cố thêm bớt cùng rút lại những gì ngày xưa đã được Đức Mẹ hiện ra tám lần với mình.

Năm 1985 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo đệ nhị tới thánh địa Banneux hành hương kính viếng Đức Mẹ, Mariette Beco bằng lòng đến gặp Đức Thánh Cha trong phòng áo nhà nguyện.

Trong cuộc gặp gỡ này, Mariette Beco đã nói với Đức Thánh Cha: “Con chỉ là người đưa thư sứ điệp của Đức Mẹ thôi.“

Đời sống của Mariette Beco có nhiều đau khổ về tinh thần vì hoàn cảnh gia đình chia ly, cô đơn, con mất sớm, lại thêm bệnh tật đau yếu, đau mắt càng nhìn yếu kém gần như mù lòa lúc tuổi đời càng cao.

Lúc tuổi già yếu, Bà Mariette Beco vào sống trong nhà hưu dưỡng bên Banneux.

Và ngày 02.12.2011 Bà Mariette Beco đã qua đời thọ 90 tuổi.

Mariette Beco đã được Đức Mẹ hiện ra và đã thuật lại những gì đã thấy đã nghe về biến cố phép lạ này.

Mariette Beco sau biến cố phép lạ được Đức mẹ hiện ra bị nhiều người coi khinh có cả bị nhạo báng, bị hồ nghi và cho là cô đã phản bội.

Nhưng cho tới khi qua đời, Mariette Beco đã không bao giờ phản bội sứ điệp Đức Mẹ Banneux, và cũng chẳng bao giờ rút lại, cũng chẳng thêu dệt thêm bớt gì nữa.

Mariette Beco trước sau vẫn trung thành giữ vững vị thế lập trường của mình.

Cô thường nói: “Tôi đã nói tất cả những gì tôi phải nói. Tôi không có một lời nào nữa thêm vào hay rút lại.“

Khi hiện ra lần thứ năm hôm 11.02.1933, Đức mẹ đã nói với Mariette Beco “Mẹ đến đây xoa dịu nỗi đau khổ“, nhưng cuộc đời Mariette Beco cho tới khi qua đời lại gặp, theo con mắt nhìn suy hiểu của con người phàm trần, quá nhiều sự đau khổ.

Vậy đâu là ý nghĩa đạo đức thần học ẩn chứa qua biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Banneux?

5. Những dấu chỉ đạo đức thần học.

5.1 Đức Mẹ Banneux đi lùi hướng mắt về đàng sau

Đức Mẹ Maria đã hiện ra với Mariette Beco khởi đầu trong khu vườn sau nhà và đã dẫn Mariette theo con đường ra đến dòng suối nước.

Trên con đường này Đức mẹ đã dẫn Mariette đi, Đức Mẹ đi trước quay mặt về phía Mariette cùng những người đi theo sau.

Như thế Đức Mẹ đi lùi, mặt quay hướng nhìn người đi theo đàng sau.

Điều này nói lên, Đức Mẹ hằng quan tâm đến mọi người, nhìn cùng lắng nghe tâm sự của con người.

Những người đến nơi này kính viếng luôn được Đức Mẹ ngó xuống nhìn cùng lắng nghe chúng ta tâm sự.

Nơi dòng suối nước ban ơn lành, hai tay nhúng vào dòng nước xin ơn và mắt ngước lên tượng Đức Mẹ Banneux trên bờ tường cũng đang nhìn ta bên dưới.

Và cũng do cung cách Đức Mẹ đã làm như thế, nên ở thánh địa Banneux, kiệu Đức mẹ Banneux đi đầu mặt quay về phía người tín hữu đi theo sau kiệu.

Đây là một đặc điểm riêng ở thánh địa Banneux, và hầu như không thấy có ở nơi nào khác.

5.2 Mẹ của người nghèo

Lần hiện ra thứ ba với Mariette Beco, Đức mẹ đã trả lời thắc mắc của Mariette

“Ta là mẹ của người nghèo“.

Với lời tự nhận đó, Đức Mẹ muốn mình ở giữa những người nghèo không chỉ về vật chất của cải tiền bạc, nhưng còn nghèo về đời sống tinh thần tâm linh nữa.

Chúa Giêsu trong bài giảng tám mối phúc thật đã ca tụng “những người có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ.“ (Mt 3,1).

Họ nghèo về vật chất, nhưng lại giầu có tinh thần, vì tin tưởng vào Chúa.

5.3 Dòng suối nước cho mọi người

Đức Mẹ dẫn Mariette từ vườn sau nhà đi đến dòng nước rồi chỉ cho nhúng tay vào đó, rồi Đức Mẹ biến đi.

Như thế, Đức Mẹ muốn dẫn Mariette và mọi người đến với dòng suối nước ơn cứu độ là Chúa Giêsu, Đấng là nguồn ân đức các Bí Tích và sự sống vĩnh cửu.

Từ ngày đó biết bao nhiêu ngàn người lũ lượt hành hương đến cúi mình nhúng đôi tay vào dòng suối nước này cầu nguyện xin ơn chúc lành phù hộ của Đức Mẹ.

Và nhiều người đã được ban ơn như lòng tin tưởng cầu xin.

Cử chỉ nhúng tay sâu vào dòng nước nói lên tâm tình muốn gặp gỡ Chúa Giêsu là nguồn suối mọi ân đức nơi Lời của Chúa và nơi các Bí Tích.

Đời sống đức tin vào Chúa cho chúng ta cùng được tham dự chia sẻ vào mầu nhiệm ơn cứu chuộc của Chúa, không phải chỉ qua sự hiều hiết của lý trí, nhưng còn là lòng tin tưởng yêu mến cùng gắn bó mật thiết với Chúa nữa.

Dòng suối nước Đức Mẹ Banneux trở nên thời danh qua nhờ những phép lạ chữa bệnh, mà người tín hữu đến nhúng tay vào trong đó như Đức mẹ truyền bảo Mariette Beco:

“Cho tất cả mọi dân tộc, mang lại sự yên ủi cho người đau bệnh, cho những người bị bệnh tật.“.

Dòng suối nước Đức Mẹ Banneux là dấu chỉ của lòng yêu mến Chúa dành cho mọi người.

Đức Giê-su nói: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước Tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa.

Và nước Tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” (Ga 4,14.)

5.4 Những lần té ngã trên đường đi

Trên đường từ nhà được Đức Mẹ dẫn đến dòng suối nước, Mariette Beco đã ngã té xuống đất ba lần.

Những chỗ đó được ghi lại với hình ngôi sao khắc trên mặt đường.

Đức Mẹ hiện ra đã dẫn Mariette ra đến dòng suối nước bốn lần nói lên: Trong đời sống con người chúng ta hầu như hằng ngày đều đi trên cùng một con đường.

Rồi bước đi tới cũng như trở lại trên con đường hằng ngày là hình ảnh nói lên sự chuyển động, làm lại đổi mới đời sống.

Những lần Mariette ngả té quỳ gối xuống nền đường là hình ảnh những yếu đuối, những đau khổ thất vọng, những thử thách trải qua, những khiếm khuyết lỗi làm tinh thần chùng xuống, khiến ngã qụy trên đường đến nguồn nước ân đức Chúa Giêsu Kitô.

Nhưng Đức Mẹ Banneux lúc nào cũng nhìn Mariette cùng đoàn người đi theo với nụ cười trên môi.

Như thế, Đức Mẹ muốn nhắn gửi đi sứ điệp: Không có bình luận phê phán, chê trách lên án cùng đe doạ.

Đức Mẹ Banneux luôn khuyến khích hãy can đảm lên và luôn vực nâng đứng dậy khi té ngã.

Đến thánh địa Banneux hành hương, người ta sẽ không tìm thấy nơi đây những gì mang dấu vết văn hóa nghệ thuật thời xưa cũng như hiện đại.

Không, đây là vùng thôn quê hẻo lánh, nên không có những điều đó.

Đến thánh địa Banneux người ta cũng không tìm thấy những vết tích của sự kiện lạ lùng hấp dẫn.

Nhưng là để cầu nguyện xin ơn phù hộ an ủi từ nơi Đức Mẹ Maria theo ý nguyện riêng tư.

Đến thánh địa Banneux người ta cũng không sống trải qua cảnh ồn ào nhộn nhịp của từng đoàn người hành hương nối dài đi ra, đi vào nơi này.

Nhưng có được bầu không khí bình lặng thiêng liêng nơi đây của những người hành hương thanh thản đến cúi mình nhúng đôi tay vào dòng suối nước Đức Mẹ, âm thầm đọc kinh hoặc nói lời tâm sự với Đức Mẹ, rồi họ lại thinh lặng ra đi vào khu rừng đọc kinh suy niệm đàng thánh giá, hay vào những nhà nguyện đốt thắp nến đọc kinh xem lễ.

Đến hành hương Đức mẹ Banneux xin sự bình an chữa lành cho đời sống.

Nguồn VietCatholic.net


Đền Thánh Banneux Notre-Dame

Địa chỉ:

Sanctuaire de Banneux

Rue de l’Esplanade 57, 4141 Banneux ND

Trang web: banneux-nd.be

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận